Nâng cao năng lực xét nghiệm y khoa và Thalassemia ​

Ngày 30/6, tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra chương trình tập huấn “Cập nhật các xét nghiệm y khoa và Thalassemia”.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi tập huấn.

 

Chương trình do Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.100 chuyên gia, bác sĩ đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên.


Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Thalassemia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và yêu cầu ngày càng cao chất lượng dịch vụ y tế của người dân, việc cập nhật liên tục các quy trình kỹ thuật mới là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm rủi ro trong tai biến cho người bệnh.

Tại buổi tập huấn, đông đảo các y, bác sĩ được các chuyên gia y tế đến từ bệnh viện Medlatec, Viện Huyết học truyền máu Trung ương... cập nhật những kiến thức về vai trò của xét nghiệm trong thực hành lâm sàng và ứng dụng của các chỉ dấu khối u; vai trò và ý nghĩa của xét nghiệm Double test và Triple test trong chẩn đoán trước sinh; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Qua đó giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, mở ra cơ hội mới trong việc hợp tác, liên thông y tế cùng phát triển giữa các bệnh viện trong khu vực, tất cả vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, các chuyên gia tập trung vào vấn đề xét nghiệm có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh tại cơ sở Y tế, chiếm tỉ trọng lớn từ 60 - 70% các quyết định lâm sàng. Kết quả xét nghiệm là một trong những cơ sở để bác sĩ đưa ra chẩn đoán, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp cho người bệnh. Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tần suất dị tật bẩm sinh chiếm 3 - 4% tổng số trẻ được sinh ra bao gồm cả trẻ sống và chết lúc sinh.

Theo Trung tâm Chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Việt Nam có 3% thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tử vong và bệnh tật của trẻ trong những năm đầu của cuộc sống.

 

Các dị tật bẩm sinh tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống, khả năng sinh hoạt, tuổi thọ và sự hoà nhập cộng đồng của trẻ bị dị tật. Bởi vậy, tất cả phụ nữ mang thai đều nên được thực hiện sàng lọc trước sinh,  đặc biệt những thai phụ có tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh, có sử dụng thuốc hoặc các chất có thể gây hại cho thai, bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin, bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai, có tiếp xúc với phóng xạ liều lượng cao hoặc trên 35 tuổi.

Ngoài các nội dung tập huấn về xét nghiệm y khoa, các chuyên gia và các bác sĩ được tìm hiểu thêm về căn bệnh Thalassemia. Tại Việt Nam có khoảng 5 triệu người mang gen bệnh với khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh sinh ra mỗi năm. Nếu không theo dõi, quản lý và tầm soát kịp thời có thể dẫn đến các ảnh hưởng xấu về di truyền và sự phát triển của giống nòi. Vì vậy việc khám và sàng lọc nguồn gene bệnh tại địa bàn dân cư là rất quan trọng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Trong thời gian qua, Bắc Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư trong lĩnh vực y tế. Nhiều thiết bị hiện đại,  kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua chương trình này tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác giữa các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân ở địa phương.

 

Tin, ảnh: Thanh Thương (TTXVN)
Hà Nội phấn đấu 100% số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV
Hà Nội phấn đấu 100% số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV

Thực hiện “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2018, tổ chức từ ngày 1 - 30/6 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”, toàn thành phố Hà Nội huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và mọi người dân vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN