Chính vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho người đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ngành Y tế tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, việc vận động người dân là đồng bào dân tộc thiểu số khám, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao được ngành Y tế tỉnh Kon Tum xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao và biết cách phòng tránh trong cộng đồng.
Tại thành phố Kon Tum, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Y tế đã phát hiện 108 bệnh nhân mắc lao, trong đó có 42 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông A Tinh (sinh năm 1965, làng Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) cho biết, vào cuối năm 2019, khi ông đang đi làm tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho khan. Tưởng chỉ bị viêm họng thông thường, ông tự đi mua thuốc uống nhưng không khỏi. Thấy tình hình sức khỏe giảm sút, tháng 7/2020, ông trở về nhà và đi khám tại Trung tâm Y tế xã Đăk Blà. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm sau đó đã xác định ông bị mắc lao phổi.
“Từ khi phát hiện bệnh, tôi được các bác sỹ của thành phố Kon Tum và xã Đăk Blà hỗ trợ tư vấn, điều trị và nhắc nhở uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị, đúng thời gian. Đến nay qua 5 tháng điều trị, dù vẫn còn ho nhưng sức khỏe của tôi đã tốt hơn. Tôi có thể giúp đỡ gia đình một số việc nhẹ nhàng”, ông A Tinh chia sẻ.
Theo bác sỹ Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, tình hình bệnh lao trong những năm qua tại thành phố Kon Tum không có diễn biến bất thường, số ca nhiễm qua từng năm không tăng cao. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có nguy cơ lây lan qua đường hô hấp nên công tác điều trị cho người bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều nơi, người dân vẫn giữ các phong tục tập quán lạc hậu, thường xuyên đi làm nương, rẫy ở xa khu dân cư; ý thức về sức khỏe còn hạn chế, khi phát hiện bệnh thường đã nặng.
“Trung tâm Y tế thành phố đã cử các cán bộ chuyên trách, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế các xã, phường để phát hiện sớm và lấy mẫu đi xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng tương tự lao; đồng thời hằng tuần đến nhà người bệnh thăm khám, cấp phát thuốc. Nhờ đó, ý thức của người dân về khám, phát hiện và điều trị bệnh được nâng cao, tỉ lệ chữa khỏi bệnh của thành phố luôn đạt trên 95%”, bác sỹ Bùi Trọng Trí cho biết thêm.
Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, ngành Y tế huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận 33/50 ca mắc lao là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng. Em Y Hoa (sinh năm 2001, trú xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) cho biết, khoảng tháng 6/2020, em bắt đầu xuất hiện ho, nôn ra máu. Một thời gian sau, tình trạng ngày càng trầm trọng, sức khỏe giảm sút, không ăn uống được nhiều, sút cân. Đến tháng 10/2020, em được chỉ định đi khám, lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện mắc lao phổi.
“Trước đây trong làng em cũng có mấy người bị bệnh này, nhưng em không tiếp xúc. Sau khi phát hiện bệnh, em được các bác sỹ tư vấn, lấy thuốc uống mỗi tuần một lần, được thăm khám, nhắc nhở uống thuốc đúng giờ. Đến nay, em thấy sức khỏe của mình đã tốt lên, ăn uống được, tăng 3kg”, em Y Hoa vui mừng nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh, phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cho biết, huyện có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,9%, tỉ lệ hộ nghèo cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, những hủ tục như khi đau ốm không đến trạm y tế hay bệnh viện mà mời thầy cúng về nhà khiến sức khỏe của người dân không được đảm bảo. Tuy nhiên, với những chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, ngành Y tế huyện đã nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho người dân.
“Chúng tôi đã chủ động thực hiện khám lao tại các vùng khó khăn, làm tốt công tác truyền thông cho bà con hiểu rõ về bệnh, khuyến khích người dân đi khám sớm và quản lý chặt chẽ các đối tượng ho khan. Nhờ đó, nhận thức của người dân dần được nâng lên, xóa bỏ các hủ tục. Năm 2015, bệnh nhân lao là người dân tộc thiểu số chiếm tới 88%, nhưng đến năm 2020, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 66%”, bà Nguyễn Thị Ánh phân tích.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ năm 2015 – 2020, toàn tỉnh đã phát hiện và lập hồ sơ quản lý điều trị cho 2.048 bệnh nhân lao. Riêng năm 2020, đến ngày 30/11, số bệnh nhân lao được chẩn đoán là 348 người, tương đương khoảng 63 người bệnh lao/100.000 dân. Một số xã đặc biệt khó khăn của tỉnh có tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao cao hơn so với tỉ lệ chung của tỉnh như xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) là 495 người/100.000 dân, xã Xốp (huyện Đăk Glei) là 209 người/100.000 dân…
Bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, công tác vận động người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đi khám, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là bởi đa số người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội được tiếp cận với các các dịch vụ y tế nói chung và các kênh truyền thông về giáo dục sức khỏe. Vì vậy, kiến thức về bệnh lao; các biện pháp phòng, chống bệnh lao rất hạn chế. Ngoài ra, người bệnh lao sợ bị xa lánh, kỳ thị nên họ thường giấu bệnh, đến khi bệnh nặng mới được phát hiện, rất khó điều trị và trước khi điều trị đã làm lây lan cho nhiều người.
Trước thực trạng trên, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã chú trọng công tác truyền thông phòng, chống bệnh lao. Đồng thời, ngành lồng ghép vào các nhiệm vụ chuyên môn triển khai tại cộng đồng để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người có các dấu hiệu nghi mắc lao đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh lao; chỉ đạo giám sát các ca bệnh từ trong cộng đồng bằng việc yêu cầu các Trạm Y tế báo cáo tình hình quản lý người nghi lao và bệnh nhân lao tại địa phương mỗi tháng, giúp chủ động hơn trong phát hiện nguồn lây bệnh lao, đảm bảo 100% bệnh nhân lao được cấp thuốc đầy đủ, đúng phác đồ và được theo dõi chặt chẽ bởi nhân viên y tế.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa nhấn mạnh, thời gian tới ngành Y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục đảm bảo duy trì, củng cố mạng lưới phòng, chống lao hoạt động ổn định, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động phát hiện bệnh nhân lao mới, điều trị và quản lý chặt chẽ nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác truyền thông, huy động xã hội tham gia hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn; đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán, điều trị bệnh lao; ưu tiên các hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh lao, sử dụng tối ưu các kỹ thuật truyền thống; duy trì tỉ lệ điều trị thành công hàng năm luôn đạt trên 95%.