Hà Nội: Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh lao

Ngày 15/12, ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố Hà Nội, cho biết: Bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.

Tại Hà Nội, từ năm 2018, nhằm phát hiện sớm bệnh nhân lao, bệnh nhân lao kháng thuốc, Chương trình chống lao thành phố Hà Nội đã áp dụng kỹ thuật GeneXpert hiện đại, chẩn đoán sớm và chính xác cho bệnh nhân lao, tăng số lượng người bệnh được chẩn đoán tại các tuyến.

Chú thích ảnh
Khám, điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Năm 2020, Chương trình chống lao thành phố Hà Nội duy trì mục tiêu triển khai công tác phòng, chống lao tại tất cả các xã, phường; tỷ lệ dân số được Chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Trong 9 tháng của năm 2020, toàn thành phố đã xét nghiệm phát hiện cho 16.046 người nghi mắc lao đến khám, trong đó 1.156 người có kết quả dương tính. Chương trình phòng, chống lao Hà Nội đã phát hiện, thu nhận được 2.821 bệnh nhân lao mọi thể. Số lượng bệnh nhân lao được thu nhận và điều trị đi theo đúng lộ trình. Ngoài ra, toàn thành phố đã khám cho 48.593 người nghi mắc lao tại các tuyến. Tuy nhiên, thực tế tình hình người khám chữa bệnh tại các Trung tâm Y tế quận, huyện ngày càng giảm sút, công tác khám, chữa bệnh lao tại các tổ lao quận, huyện, bệnh viện cũng chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh gây ra. 

Công tác quản lý, điều trị bệnh lao đạt kết quả khả quan, đã điều trị khỏi cho 1.233 trong tổng số 1.289 bệnh nhân lao phổi AFB (+), đạt 95,6%; 184 trong tổng số 201 bệnh nhân lao phổi AFB (+) có bằng chứng vi khuẩn học điều trị lại được điều trị khỏi, đạt 91,6%.

Đặc biệt, Hà Nội đã thu nhận 155 bệnh nhân lao kháng thuốc chuyển về quản lý tại cộng đồng, cơ sở điều trị tập trung. Thành phố triển khai thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc từ năm 2011, với mô hình quản lý điều trị từ tuyến tỉnh và giám sát điều trị trực tiếp tại tuyến xã, phường (giám sát trực tiếp từng liều thuốc 6 ngày/tuần trong cả liệu trình điều trị), hỗ trợ bệnh nhân 100% thuốc điều trị lao kháng thuốc và các xét nghiệm hỗ trợ... Mặc dù phần lớn bệnh nhân có nhiều triệu chứng phức tạp, thời gian điều trị kéo dài (ít nhất 19 tháng) nhưng sau 9 năm triển khai đã có nhiều bệnh nhân khỏi và hoàn thành điều trị, tiên lượng khả quan. Kết quả điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 67% .

Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó năm 2020 chỉ số phát hiện là 80% số người bệnh lao phổi AFB (+) mới mắc ước tính có trong cộng đồng, 92% số bệnh nhân đã được phát hiện và quản lý sẽ khỏi bệnh.

Đạt được kết quả trên là do thành phố Hà Nội có mạng lưới chống lao rộng khắp tại tất cả các quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán nhanh, chính xác người bệnh mắc lao và ứng dụng hiệu quả phác đồ điều trị, nhờ vậy 100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao. Thành phố cũng đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện, tuyên truyền rộng khắp tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống bệnh lao...

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống lao trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phát hiện nguồn lây bệnh lao còn có nhiều trở ngại do sự hạn chế trong nhận thức của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh; do còn tư tưởng kỳ thị với người bệnh lao nên không ít người giấu bệnh. Ngoài ra, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều người bệnh bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc ngày càng tăng; nguồn nhân lực của tuyến huyện, xã còn thiếu, thường xuyên thay đổi...

Để công tác phòng, chống lao đạt kết quả tốt, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, cần có sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cộng đồng chung sức, chung lòng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh lao.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của bệnh lao, xóa mặc cảm, kỳ thị với người mắc bệnh lao; cung ứng thuốc chữa bệnh lao phù hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao kịp thời; tạo điều kiện tốt hơn về dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc lao...

Tuyết Mai (TTXVN)
Tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030
Tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao quốc gia tổ chức sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2020, tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2019 và triển khai Kế hoạch năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN