Các bệnh viện đang khởi động
Buổi sáng tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện K Trung ương, số lượng bệnh nhân ngồi chờ khám khá đông, dãy ghế chờ chật kín, nhiều người phải ra khuôn viên ngoài sân để ngồi cho đỡ ngột ngạt.
Tại đây, quy trình khám bệnh vẫn đang áp dụng như cũ, chưa chuyển sang hình thức bệnh án điện tử. Người bệnh vẫn phải mua sổ khám, hồ sơ khám mỗi bệnh nhân vẫn “lỉnh kỉnh” các loại giấy tờ, phiếu, hóa đơn… còn trên bàn khám của bác sĩ vẫn là những chồng sổ khám bệnh, phiếu kết quả…
Cầm hồ sơ đi qua các phòng, bệnh nhân Nguyễn Văn Hồng (48 tuổi, quê ở Hải Dương) cho biết: "Sáng sớm tôi đã từ quê lên đây khám nhưng giờ vẫn chưa xong, vừa siêu âm, xét nghiệm, cầm đủ các loại giấy tờ, phiếu thu; đến phòng nào cũng đặt giấy rồi chờ gọi. Chúng tôi chưa biết đến việc thực hiện bệnh án điện tử vì hôm nay đến bệnh viện khám bệnh vẫn thấy dùng sổ khám bệnh bằng giấy như bình thường. Nếu có thể, đưa tất cả vào hệ thống điện tử lưu thông tin lại 1 lần là xong, mỗi bệnh nhân một mã số đi đến các khoa phòng khám sẽ rất thuận lợi. Hầu hết người khám bệnh đều có chứng minh thư, thẻ bảo hiểm nên tôi nghĩ không cần thiết phải có sổ khám bệnh như hiện nay, vừa tốn chi phí, lại mất thời gian khai đi khai lại mỗi lần đến khám".
“Tôi đi khám đại tràng, lấy số từ hôm qua mà hôm nay đến ngồi chờ hơn 1 tiếng vẫn chưa tới lượt. Nếu có những cách như bệnh án điện tử giúp việc tiếp nhận người bệnh nhanh hơn thì người dân như chúng tôi chắc chắn rất ủng hộ, người bệnh sẽ bớt thời gian chờ đợi, nhân viên y tế làm việc cũng dễ dàng hơn”, vừa đau vừa mệt mỏi ngồi chờ, anh Nguyễn Văn Cậu (quê ở Hải Dương) cho biết.
Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, từ tháng 3/2019, các cơ sở khám chữa bệnh chuyển đổi sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh trước đây. Tuy nhiên hầu hết các bệnh viện mới đang trong giai đoạn khởi động, việc chính thức triển khai tới người dân cần lộ trình chuẩn bị nhất định.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện chưa triển khai được ngay bệnh án điện tử mà vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở vật chất, rất nhiều công việc cần phải đồng bộ mới có thể thực hiện được.
Còn theo TS.BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, hiện bệnh viện vẫn đang sử dụng bệnh án giấy, để triển khai được bệnh án điện tử với bệnh viện lớn không thể làm trong “ngày một, ngày hai”. Trước tiên, phải xây dựng được phần mềm quản lý dữ liệu. Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn, bệnh viện và đối tác công nghệ thông tin cũng cần một khoảng thời gian để lên phương án hoàn thiện hệ thống.
Theo đó, yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ cũng vẫn còn đang là vấn đề vướng mắc. Về mặt pháp lý, hiện nay chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị. Đặc biệt trong các trường hợp có sự cố hay tai biến y khoa vẫn đang căn cứ vào chữ ký của bác sĩ trên bệnh án giấy của bệnh nhân.
Người bệnh sẽ được “hưởng lợi”
Theo Bộ Y tế, việc chuyển sang bệnh án điện tử đang được triển khai theo lộ trình. Khi thực hiện bệnh án điện tử, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Bệnh án điện tử sẽ cập nhật toàn diện các thông tin của bệnh nhân trong quá trình khám sức khỏe, sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác... Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh án điện tử khi hoàn thiện sẽ giúp thực hiện chủ trương bệnh viện không sử dụng giấy tờ, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh án điện tử toàn diện cập nhật các thông tin của bệnh nhân trong quá trình khám sức khỏe, sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử sẽ hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở tất cả các cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng quy định rõ lộ trình thực hiện bệnh án điện tử sẽ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2019- 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; từ năm 2024 - 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.