Điều này khiến không ít các bậc phụ huynh lựa chọn các sản phẩm bổ sung Probiotic hàng ngày như giải pháp để cải thiện sức khỏe cho con em mình.
Để làm rõ tính hiệu quả của lợi khuẩn này, các nhà khoa học Mỹ và Canada đã tiến hành 2 nghiên cứu, tuy nhiên, kết quả của những nghiên cứu này cho thấy loại men sống này hoàn toàn không có công dụng trong việc điều trị cúm dạ dày ở trẻ nhỏ mà đơn thuần chỉ là liệu pháp "tinh thần".
Nghiên cứu thứ nhất do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Washington ở St.Louis thực hiện đối với 971 trẻ trong độ tuổi từ 4 tháng tuổi đến 4 tuổi tại Mỹ. Tất cả trẻ tham gia nghiên cứu này đều bị cúm dạ dày - một loại bệnh nhiễm trùng ruột do virus hoặc vi khuẩn gây ra với triệu chứng nôn chớ và tiêu chảy. Số trẻ này chia thành 2 nhóm trong liệu trình 5 ngày, một nhóm được bổ sung Culturelle - một sản phầm hỗ trợ bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus GG, vốn được quảng cáo là "sản phẩm lợi khuẩn số 1 được các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng hàng ngày", và một nhóm sử dụng thuốc trấn an. Kết quả cho thấy nhóm trẻ được hỗ trợ bổ sung lợi khuẩn không có sự khác biệt trong các biểu hiện bệnh lý hay thời gian điều trị so với nhóm sử dụng thuốc trấn an.
Nghiên cứu thứ hai được tiến hành tại Canada với sản phẩm thực nghiệm là Lacidofil Strong có chứa lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus R0011 và L. helveticus R0052. Hơn 800 trẻ được chọn ngẫu nhiên tham gia nghiên cứu. Kết quả cho thấy khác biệt giữa hai nhóm rất nhỏ, theo đó, tỷ lẻ trẻ trải qua 14 ngày diễn biến của bệnh từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng là 108/414 ở nhóm được điều trị liệu trình 5 ngày có bổ sung lợi khuẩn, và 102/413 ở nhóm sử dụng thuốc trấn an. Cả hai nhóm đều có biểu hiện như nhau về nôn mửa và tiêu chảy, thời gian kéo dài tình trạng bệnh như nhau.
Kết quả hai nghiên cứu nói trên được đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England. Qua đó, các nhà nghiên cứu truyền tải một thông điệp rõ ràng là cần đặt câu hỏi về vai trò, và những lợi ích của probiotic đối với sức khỏe con người khi đưa vào sử dụng rộng rãi. Các nhà khoa học khuyến cáo các bậc phụ huynh bổ sung rau xanh và hoa quả tươi như một giải pháp bổ sung vitamin, hỗ trợ cải thiện sức khỏe của con em mình.
Trên thực tế, probiotic đang là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Dự kiến giá trị của ngành này trên thị trường toàn cầu sẽ tăng từ 37 tỷ USD trong năm 2015 lên 64 tỷ USD vào năm 2023.