Làm gì để trẻ không bị ốm trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán?

Các bác sĩ khuyến cáo những điều nên và không nên làm để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong kỳ nghỉ Tết, giúp trẻ có sức khỏe tốt, đón Tết an toàn.

Chú thích ảnh
Trẻ cần được giữ ấm khi đi chơi, đi ra đường. Ảnh: TTXVN

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nếp sống của trẻ bị xáo trộn, chế độ ăn uống và lịch sinh hoạt rất thất thường, thiếu khoa học, khiến trẻ dễ bị ốm.

Để trẻ có sức khỏe tốt, đón Tết an toàn, các bác sĩ khuyến cáo những điều nên và không nên làm, cụ thể:

- Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ: Duy trì giờ giấc ngủ, nghỉ cho trẻ không chênh lệch so với ngày thường; nên cho trẻ ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày; không để trẻ thức quá khuya.

- Về dinh dưỡng: Trẻ cần được ăn đúng bữa, đúng giờ, cần bằng 4 nhóm dinh dưỡng (chất đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ và vitamin); đảm bảo cho trẻ ăn hợp vệ sinh, thực phẩm an toàn. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và uống các loại nước ngọt, nhất là trước bữa ăn. Không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo, có thể khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu hoặc tăng cân không kiểm soát.

- Cần giữ ấm cho trẻ đúng cách khi đi ra ngoài trời lạnh: Giữ ấm đầu, cổ, lưng, bụng, bàn tay, bàn chân; không nên cho trẻ mặc quá ấm hoặc quá phong phanh; khi thấy trẻ ra mồ hôi, cần thay đổi trang phục cho phù hợp.

- Về vệ sinh cá nhân: Nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ; đánh răng đều đặn 2 lần/ngày vào buối sáng và tối.

- Trẻ cần được tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch: Nên cho trẻ đi khám để bác sĩ hướng dẫn điều trị khi trẻ bị ốm; không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.

- Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết, cha mẹ cần chú ý phòng tránh các tai nạn trong sinh hoạt bằng cách: Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ; hướng dẫn trẻ ăn chậm, nhai kỹ, giám sát chặt khi trẻ ăn các loại hạt như: Hạt dưa, hạt lạc, hạt bí…; giám sát chặt khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối…; hướng dẫn trẻ tham gia giao thông an toàn. Cha mẹ không nên cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện, cần che chắn kỹ các ổ cắm điện; không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín để tránh ngộ độc khí CO.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Cẩn trọng với tai nạn pháo nổ trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán
Cẩn trọng với tai nạn pháo nổ trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn do pháo nổ. Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn pháo nổ là một trong những tai nạn thương tích nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ cũng như những người xung quanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN