Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tính đến sáng 5/10, Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện đang điều trị 155 ca tay chân miệng, trong đó có 12 ca nặng độ 3; hai ca nặng độ 4 phải thở máy. Từ đầu mùa dịch đến nay, một trẻ đã tử vong do tay chân miệng tại Bệnh viện.
Do lường trước được sự phức tạp của dịch bệnh này, ngay từ tháng 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành tập huấn cho 100% bác sỹ, điều dưỡng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện máy móc điều trị.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tập huấn cho bác sỹ chuyên khoa nhi của các bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam để phân luồng điều trị ngay từ tuyến dưới, tránh dồn hết bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.
Về cơ sở vật chất, do Khoa Nhiễm - Thần kinh quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chủ động cải tạo, sửa chữa lại khu căng tin cũ trước đây để mở rộng thành 3 phòng bệnh tiếp nhận bệnh nhi với các điều kiện đạt chuẩn như có phòng làm việc, giường bệnh, khu vệ sinh riêng, đảm bảo đủ điều kiện điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại, 3 phòng bệnh này đang tiếp nhận các bệnh nhi bị tay chân miệng thể nhẹ.
Ngoài bệnh tay chân miệng, đến ngày 5/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 100 trẻ mắc sốt xuất huyết và 60 trẻ mắc bệnh sởi.
Liên quan đến tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng, báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 50 trẻ nhập viện. Thời điểm ngày 5/10, Bệnh viện có 116 ca điều trị nội trú về tay chân miệng, 3 ca mắc độ 4 và đã có 2 trường hợp tử vong.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang có 50 ca tay chân miệng nội trú. Dự kiến trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ bố trí thêm một khu mới khoảng 40 giường để tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù tổng số ca tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn đang ở mức giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên với diễn biến gia tăng nhanh chóng trong 2 tuần cuối tháng 9 trở lại đây, các bệnh viện không được chủ quan.
Ngoài việc chuẩn bị thuốc men, nhân lực, cơ sở vật chất để điều trị tích cực cho bệnh nhi, các bệnh viện cần phân loại bệnh ngay từ ban đầu và chuyển bớt về bệnh viện tuyến dưới nhằm tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bố trí một khoa dự phòng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhi trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải.