Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm

Ngày 11/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp Sở Y tế tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tăng cường năng lực kiểm soát bệnh không lây nhiễm sau đại dịch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm cho biết, Hội nghị là dịp các đại biểu cùng lắng nghe, chia sẻ, thảo luận, góp ý về cơ chế, chính sách, công tác quản lý, hoạt động chuyên môn nhằm đưa ra những giải pháp tốt hơn cho công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn tới từ Trung ương đến địa phương. Hội nghị còn góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, với xu hướng các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách, chương trình tổng thế, Đề án Quốc gia trong phòng, chống, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Đây là các căn cứ quan trọng giúp ngành Y tế và các địa phương triển khai nhằm kiểm soát tốt các loại bệnh này, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sau dịch COVID-19, ngành Y tế đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt trong công tác kiểm soát các bệnh không lây nhiễm còn thiếu chính sách liên ngành; ý thức, nhận thức thói quen của người dân còn hạn chế; hệ thống cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn…

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Để công tác dự phòng, phát hiện và quản lý, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các Vụ, Cục chức năng của Bộ tiếp tục rà soát, xây dựng, triển khai các Đề án liên quan đến phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; trong đó, khẩn trương hướng dẫn, ban hành các gói dịch vụ y tế cơ bản tại trạm y tế xã, nhất là các gói liên quan đến các bệnh không lây nhiễm. Các sở y tế địa phương chỉ đạo, xây dựng và thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, đảm bảo kinh phí và các điều kiện nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông với các thông điệp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm…

Tiến sỹ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, số liệu điều tra cho thấy, ở nước ta có khoảng 17 triệu người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp; 4,6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tăng đường huyết. Đối với ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 180.000 ca mắc mới mỗi năm. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả nguyên nhân tử vong khác cộng lại. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 80% tổng số ca tử vong, chủ yếu là do các bệnh về tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung.

Bên cạnh đó, khoảng 41% số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm xảy ra trước 70 tuổi. Thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu cũng là các yếu tố nguy cơ khiến bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh. Do đó, công tác dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Với hai phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp góp phần kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như: Xây dựng và thực thi các chính sách, biện pháp liên ngành để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh; tăng cường truyền thông nâng cao sức khỏe; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm; phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin bệnh và yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Thu Hoài (TTXVN)
Hà Nội khẩn trương ngăn chặn nguy cơ bệnh bạch hầu xâm nhập
Hà Nội khẩn trương ngăn chặn nguy cơ bệnh bạch hầu xâm nhập

Trước nguy cơ bệnh bạch hầu xâm nhập vào địa bàn, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh bạch hầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN