Không thực hiện KHHGĐ vẫn có nguy cơ bùng nổ dân số

Để đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế (mỗi bà mẹ có 2 con), việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đóng vai trò quan trọng. Tuy không còn là trọng tâm nhưng đây cũng là nhiệm vụ không thể bỏ qua.

Cung cấp, tiếp thị các phương tiện tránh thai cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Giải pháp để duy trì mức sinh


“Thành công của Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững” là chủ đề của Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lựa chọn. Chủ đề này cũng đề cao vai trò quan trọng của việc thực hiện KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.


Vừa qua, trong Nghị quyết số 21/ NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã định hướng cho chính sách dân số Việt Nam thời gian tới là chuyển trọng tâm từ Dân số- KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.


Theo các chuyên gia, đây chỉ là việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số chứ không phải là bỏ qua việc thực hiện KHHGĐ. Thậm chí, công tác này vẫn phải được duy trì mạnh mẽ mới có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Nhờ thành công của chương trình Dân số- KHHGĐ, đã hạn chế được việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, giúp tiết kiệm đáng kể các khoản chi cho các dịch vụ xã hội; mà theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.


Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ cho biết: Hiện nay quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn nên KHHGĐ là nhiệm vụ không thể xem nhẹ. Thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho thấy, tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. 


Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thanh niên (10-19 tuổi) chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 20%). Nếu không được cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, phá thai an toàn thì có thể để lại những hậu quả vô cùng lớn không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về mặt tinh thần như: Phá thai không an toàn, nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục cao, gia tăng dân số… Đăc biệt, hiện có tới gần 56% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở không áp dụng các biện pháp tránh thai dẫn tới tình trạng có thai ngoài ý muốn. Nguyên nhân của tình trạng này là do không được đáp ứng đầy đủ các biện pháp KHHGĐ như: Không được cung cấp biện pháp tránh thai, không được tiếp cận với các dịch vụ này; thậm chí có tới 40% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai không đúng cách hay sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả.


Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu “giảm sinh” thì mục tiêu của chính sách dân số mới là “duy trì mức sinh” (mỗi bà mẹ có 2 con). Để đạt mục tiêu này, chắc chắn phải đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ KHHGĐ như: Người dân được tư vấn và cung cấp đầy đủ các biện pháp, phương tiện tránh thai; nếu không việc bùng nổ có thai ngoài ý muốn, phá thai gia tăng là điều không thể tránh khỏi. Việc đáp ứng những nhu cầu này cho hàng chục triệu người trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay là nhiệm vụ to lớn, phải mang tính thường xuyên.


Chú trọng chất lượng dịch vụ


Để hoạt động KHHGĐ được bao phủ rộng và đạt hiệu quả, việc,  nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại là rất cần thiết. Thực tế hiện nay, các biện pháp tránh thai ngày càng đa dạng, chị em phụ nữ không chỉ sử dụng biện pháp đặt vòng mà còn có nhiều lựa chọn khác như: Dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, viên uống tránh thai, miếng dán tránh thai, và bao cao su… với hiệu quả ngừa thai cao.


Theo Bộ Y tế, hiện nay một phần phương tiện tránh thai vẫn được miễn phí để cung cấp cho người dân ở nông thôn, các vùng khó khăn và trong các chiến dịch cao điểm về dân số - KHHGĐ. Tuy nhiên, số lượng bao cao su, thuốc viên tránh thai từ nguồn viện trợ đã bị cắt giảm nhiều so với các năm trước và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Do vậy để đảm bảo cung ứng các dịch vụ này cần phải đẩy mạnh dựa vào các nguồn xã hội hóa.


Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn để xây dựng các kế hoạch phù hợp, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai - KHHGĐ; Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai, KHHGĐ trên cơ sở huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức và từng cá nhân. Đặc biệt, các địa phương cũng cần chú trọng hơn nữa đến đội ngũ cộng tác viên dân số, hỗ trợ cho người dân được nắm bắt thông tin và tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Xóm kế hoạch hóa gia đình
Xóm kế hoạch hóa gia đình

Đã hơn 10 năm nay, xóm Bản Luộc (Nguyên Bình, Cao Bằng) không có hộ nào sinh con thứ ba, dù nhiều gia đình sinh con "một bề" là gái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN