Ngày 7/7, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh (quận Tân Bình) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu sản phụ Nguyễn Bảo Trâm (31 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) mang tam thai tự nhiên bị biến chứng tiền sản giật, thai giới hạn tăng trưởng. Ê kíp cấp cứu đã thực hiện phẩu thuật để đưa 2 bé gái và 1 bé trai chào đời an toàn.
Sản phụ Nguyễn Bảo Trâm nhập viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, huyết áp đo được 140/90 mmHg, phù toàn thân. Bên cạnh các triệu chứng tăng huyết áp, tình trạng của thai phụ còn diễn tiến luôn cả hội chứng Hellp (nhiễm độc thai nghén).
Nhận định thai phụ có bệnh lý cuối thai kỳ nguy hiểm do mang tam thai dẫn đến tiền sản giật, hội chứng Hellp, Trung tâm Sản phụ khoa kết hợp cùng Trung tâm Sơ sinh, khoa Gây mê - Hồi sức tiến hành mổ cấp cứu ngày 1/7, tránh nguy cơ người mẹ có thể diễn tiến nặng hơn như suy gan, suy thận, suy đa cơ quan và có thể tử vong.
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Sơ sinh cho biết, khi nhận thông tin sản phụ chấm dứt thai kỳ, Trung tâm Sơ sinh điều 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng cùng 3 giường sưởi chuyên dụng vào phòng mổ. Ca mổ diễn ra thuận lợi, bé trai nặng 2,2 kg chào đời an toàn, hai bé gái nặng 2,1 kg và 2,3 kg yếu hơn nên thở oxy, vài giờ sau sức khỏe đã ổn định và có thể tự thở, được da kề da với người thân.
Tuy nhiên, sau sinh, sản phụ Trâm bị tiền sản giật có dấu hiệu nặng, giảm tiểu cầu, sau 12 tiếng hồi sức tích cực sau mổ, truyền tiểu cầu thì sức khỏe hồi phục.
Anh Võ Khánh Hòa, chồng sản phụ Trâm cho biết, vợ anh sinh con gái đầu lòng cách đây 4 năm. Năm 2022, vợ chồng anh bất ngờ phát hiện mang thai lần 2, siêu âm thai mốc 6 tuần bác sĩ thông báo nghi ngờ thai đôi. Tuy nhiên, sau khi được kiểm tra lại, cả gia đình vừa mừng vừa lo vì vợ anh mang tam thai với 3 bánh nhau, 3 túi ối riêng biệt.
Thời gian đầu, thai kỳ diễn tiến thuận lợi, đến tuần thai thứ 30, chị Trâm có dấu hiệu phù nề, tăng hơn 20kg so với trước khi mang thai nên từ Khánh Hòa chuyển vào TP Hồ Chí Minh theo dõi thai.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, sản phụ sinh con có thể cùng hoặc khác giới tính, có đặc trưng di truyền khác nhau, các trứng này có thể rụng từ một buồng trứng hoặc từ hai buồng trứng của người mẹ. Thế nhưng, với trường hợp của sản phụ Trâm thì vô cùng hiếm gặp, khoảng 1/200.000 ca sinh.
“Mỗi tháng phụ nữ chỉ có một trứng chín và rụng. Trường hợp của chị Trâm có đến 3 trứng rụng cùng, các trứng được thụ tinh bởi 3 tinh trùng khác nhau, tạo ra hiện tượng tam thai, 3 nhau, 3 túi ối riêng biệt”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi giải thích thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Nhi, tam thai là biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và bé. Chăm sóc mẹ bầu tam thai là thách thức lớn cho các bác sĩ sản khoa xuyên suốt chặng đường thai kỳ. Có nhiều diễn tiến bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ như sẩy thai sớm, sinh non (trước 37 tuần), ngôi bất thường, sa dây rốn, thai chậm tăng trưởng, thai suy cấp, tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ… tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Quá trình sinh nở, tử cung thai phụ giãn nở quá to để chứa tam thai, có thể đờ tử cung, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo, trong thai kỳ, nếu thai phụ có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau vùng thượng vị hoặc bẹ sườn bên phải, mờ mắt, đi tiểu ít, phù căng cứng toàn thân… thì cần ngay lập tức đi khám ở tại các cơ sở y tế có đơn vị sản phụ khoa, bởi đó là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Đặc biệt, tiền sản giật nặng sẽ có nguy cơ dẫn đến hội chứng nhiễm độc thai nghén.