Trước đó, ngày 4/7, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhiều thắt lưng phải. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, bên thận phải của bệnh nhân có rất nhiều viên sỏi, đài bể thận giãn độ III. Ngay sau khi có kết quả, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được bác sỹ tư vấn cần phẫu thuật lấy sỏi thận phải càng sớm càng tốt để có thể cứu thận phải của bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân phát hiện sỏi thận cách đây hơn 20 năm. Sau đó, bệnh có nhân tự uống thuốc nam điều trị tại nhà và chủ quan không đi khám lại. Gần đây, bệnh nhân đau bụng và đau lưng nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
Là người trực tiếp tham gia kíp mổ, bác sỹ Hứa Văn Đức cho biết, thận phải của nam bệnh nhân có nhiều sỏi, nhiều viên kích thước lớn nên nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật rất cao, thậm chí xấu hơn là phải cắt thận để cầm máu.
Đặc biệt, bệnh nhân đã cao tuổi, tiền sử cao huyết áp nên có nhiều nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong ca mổ. Tuy nhiên, với sự phối hợp ăn ý của cả kíp phẫu thuật, hơn 100 viên sỏi trong thận phải của bệnh nhân đã được lấy ra. Thận phải bệnh nhân được bảo tồn, người bệnh đã hồi mê và đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Các bác sỹ cho biết, sỏi hình thành trong thận do nhiều yếu tố. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng ảnh hưởng một phần đến quá trình hình thành sỏi. Để ngăn ngừa tái phát sỏi thận, bệnh nhân cần tái khám sau phẫu thuật, uống nhiều nước lọc, khoảng hơn 2lít nước/ngày và thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng thận. Khi phát hiện sỏi thận ở dạng ít, nhỏ có thể mổ nội soi để hạn chế biến chứng. Nếu để sỏi thận nhiều, hình thành viên lớn, việc mổ sẽ phức tạp hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân.