Ước tính, khoảng một triệu phụ nữ Việt Nam sẽ được dự án hỗ trợ bằng cách mang đến cho họ và người bạn đời của mình cơ hội tiếp cận dễ dàng với nhiều biện pháp tránh thai hiệu quả, hiện đại và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn của cuộc đời. Điều này sẽ giúp cho người phụ nữ lập kế hoạch mang thai một cách rõ ràng, đặt tiền đề cho việc đạt được những mục tiêu khác trong cuộc sống.
Đại diện MSD và PSI ký kết hợp tác cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. |
Bên cạnh đó, các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình ngay sau sinh - trong vòng 48 giờ sau sinh - sẽ được thử nghiệm tại một số bệnh viện được chỉ định, giúp người phụ nữ xuất viện với những đứa con khoẻ mạnh và được sử dụng phương pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả cao.
Những kết quả đạt được từ dự án sẽ góp phần đạt mục tiêu của chương trình sức khỏe sinh sản quốc gia, bao gồm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ phá thai không an toàn và tăng cường sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên.
“Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ngay sau sinh là cách tốt nhất giúp tôi có thêm thời gian và sức khỏe để chăm sóc bé sau sinh”, một trong những người đầu tiên được thụ hưởng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình sau sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ.
Trưởng đại diện của MSD tại Việt Nam, ông Koen Kruytbosch chia sẻ: "Việc mang thai ngoài ý muốn sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe cũng như những tác động xã hội không mong muốn lên cuộc sống người phụ nữ nói riêng và gia đình, cộng đồng xung quanh họ nói chung. Chúng tôi rất tự hào hỗ trợ PSI (là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu) trong chương trình mới này với hy vọng sẽ giúp tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm cải thiện hơn nữa cuộc sống cho phụ nữ Việt Nam”.
Giám đốc PSI tại Việt Nam, bà Josselyn Neukom chia sẻ thêm: “Bằng việc mở rộng các biện pháp tránh thai và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cho nhóm người ít được tiếp cận như thanh thiếu niên, người dân ở vùng nông thôn và phụ nữ sau sinh, dự án này sẽ giúp phụ nữ ở mọi tình trạng hôn nhân, lứa tuổi hay nghề nghiệp dễ dàng đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình”.
Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ phụ nữ có gia đình sử dụng biện pháp tránh thai khá cao nhưng phạm vi lựa chọn các biện pháp tránh thai còn rất hạn chế. Trong vài trường hợp, phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn và hiệu quả không cao bởi vì chính bản thân họ hay những nhà cung cấp dịch vụ y tế chưa biết đến những biện pháp hiệu quả cao, an toàn, dễ sử dụng và đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới công nhận như tiêm thuốc tránh thai và cấy ghép que tránh thai.
Có thể nói, việc mở rộng các biện pháp tránh thai cho nhóm những phụ nữ có nhu cầu lớn nhất về kế hoạch hoá gia đình như phụ nữ trẻ tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ sau sinh sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn. Phụ nữ là nền tảng của một thế giới khỏe mạnh và thịnh vượng. Khi người phụ nữ có thể chủ động kế hoạch mang thai thì trước hết là bản thân người phụ nữ sau đó là gia đình, cộng đồng và đất nước cũng sẽ theo đó phát triển.
Chương trình "MSD vì Bà mẹ" là một sáng kiến với trị giá 500 triệu USD được triển khai trong 10 năm, có sử dụng kiến thức khoa học và kinh nghiệm kinh doanh của MSD cũng như nguồn lực tài chính và kinh nghiệm trong việc ứng phó với những thách thức lớn về y tế của thế giới nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong cho phụ nữ mang thai.
Để đạt được điều này, dự án "MSD vì Bà mẹ" đem đến những giải pháp mang tính biến đổi và bền vững, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai được điều trị tại các cơ sở y tế và tăng cường khả năng tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình của họ.
Chương trình "MSD vì Bà mẹ" tập trung vào sứ mệnh giúp các nước giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và cải thiện sức khỏe cho các bà mẹ, với mục đích chung là hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goal) 3.1 của Liên Hợp Quốc, nhằm kêu gọi giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai xuống dưới 70 ca trên 100.000 ca sinh nở vào năm 2030 trên phạm vi toàn cầu.