Tiến sĩ James Hull, bác sĩ tư vấn đường hô hấp đến từ bệnh viện Royal Brompton tại London, cho biết thở sai cách là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, khó chịu lồng ngực và mất tập trung.
Trung bình chúng ta hít thở 14 lần trong một phút. Tuy nhiên, trong lúc căng thẳng, hầu hết chúng ta bị rối loạn nhịp thở, thể hiện qua việc thở gấp, ngắn hoặc nghẹt thở. Do đó, cơ chế tự bảo vệ sẽ thu hẹp thanh quản và làm thay đổi giọng nói.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chứng khó thở bị chuẩn đoán mắc bệnh hen suyễn, bởi khi thanh quản thu hẹp chúng ta có xu hướng thở khò khè. Điều trị căn bệnh này không cần thiết phải sử dụng thuốc, tuy nhiên tốt hơn hết là chúng ta nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để có những lời khuyên hữu ích.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, thở bằng mũi thì tốt hơn thở bằng miệng, bởi nó kích thích các cơ hoạt động mạnh hơn, giúp chúng ta thở sâu hơn. Mũi có chức năng lọc, giữ ẩm, và giảm tốc độ thở, đồng thời làm nóng luồng khí từ bên ngoài ngăn không cho luồng khí lạnh tác động đến phổi gây ho.
Trong khi đó, thở bằng miệng ít nhất vào buổi đêm, có thể gây sâu răng. Theo nghiên cứu của New Zealand công bố trên tờ Journal of Oral Rehabilitation vào tháng 2 vừa qua, việc thở bằng miệng làm bốc hơi tuyến nước bọt bảo vệ, khiến axit sản sinh từ các vi khuẩn không thể dung hòa trong miệng.
Theo tiến sĩ Anindo Banerjee, chuyên gia hô hấp tại bệnh viện Southampton General, Anh, thở sai cách cũng có thể giảm lượng khí C02 trong máu, dẫn đến cơ thể bị nhiễm kiềm.
Phương Anh (theo Dailymail)