Hiện nay trên thế giới cứ 8 người trưởng thành có 1 người béo phì. Trong khi đó, cứ 9 người có 1 người thiếu ăn và gần 2 tỷ người thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng (GAIN), ông Lawrence Haddad cho rằng chế độ dinh dưỡng kém giờ đây đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông nhấn mạnh, trong năm 2018, số người đói ăn tăng lần đầu tiên trong 10 năm, trong khi số người béo phì lên tới mức đỉnh điểm ở mỗi nước trên thế giới.
Ông Per Pinstrup-Andersen, Giảng viên Đai học Cornell của New York, nhấn mạnh những con số trên là một lời cảnh tỉnh giới khoa học và kinh tế, cho thấy cần thay đổi trọng tâm của hoạt động sản xuất lương thực. Theo ông, đã đến lúc cần chú trọng thành phần dinh dưỡng thay vì mục tiêu tăng năng suất cây trồng và ca-lo để cứu đói như hàng chục năm qua. Ông Pinstrup-Andersen cũng kêu gọi lĩnh vực tư nhân, trong đó có ngành chế biến lương thực, tham gia sản xuất thực phẩm có lợi cho sức khỏe với giá cả phải chăng.
Bà Jessica Fanzo, Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins và tác giả của báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu năm 2018, cho rằng để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, cần phải sản xuất loại thực phẩm thích hợp và đảm bảo có nhu cầu tiêu thụ những thực phẩm đó. Điều này đòi hỏi có thêm kinh phí nghiên cứu và phát triển những thực phẩm giàu dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của những gia đình có thu nhập eo hẹp.
Một báo cáo nghiên cứu toàn cầu được công bố trong tháng này dự báo đến năm 2050, con người sẽ vẫn thiếu các nguồn cung thực phẩm giàu thành phần dinh dưỡng thiết yếu như sắt, canxi và vitamin A. Theo đó, các tác giả của công trình này gồm những nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) và Đại học Illinois kêu gọi chính phủ các nước tăng cường tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thực phẩm giàu dinh dưỡng.