Hà Nội xuất hiện nhiều người lớn mắc thủy đậu

Tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận gia tăng số ca mắc thủy đậu, trong đó có nhiều ca là người lớn.

Chú thích ảnh
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã ghi nhận nhiều ca bệnh thủy đậu là người lớn. Ảnh: M.N

Bệnh thủy đậu xuất hiện sớm

Khoa bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn đang tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu, đáng chú ý có nhiều ca là người lớn.

Khởi phát bệnh cách đây 2 tuần, với các dấu hiệu mẩn ngứa, bệnh nhân T.A.G (27 tuổi, đang sinh sống tại phường Thanh Nhàn, Hà Nội), đi khám thì được phát hiện mắc thủy đậu.

“Chúng tôi ở tập thể, khoảng 30 người đều sinh hoạt, ăn uống chung. Đầu tiên có một người cùng phòng tôi có biểu hiện nổi mẩn ngứa; sau đó thêm một số người cùng phòng cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và đều được chẩn đoán mắc thủy đậu. Các dấu hiệu ban đầu của tôi là chóng mặt, ngứa và đau mỏi cổ, khó ngủ, sau đó người nổi mẩn ngứa và xuất hiện các mụn nước", anh T.A.G chia sẻ.

BS Nguyễn Ngọc Trung, Khoa bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Trong số các bệnh nhân mắc thủy đậu mới ghi nhận tại đây có 8 người là người lớn. Đặc biệt, một số bệnh nhân đã từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu mắc bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung cũng nhận định, sau đợt COVID-19, các bệnh nhân mắc thủy đậu có diễn biến phức tạp hơn, số người mắc bệnh thủy đậu cũng tăng cao hơn trước. Việc một số trường hợp bị tái mắc thủy đậu cũng không phải là đặc biệt.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc thủy đậu cũng đang gia tăng. Theo thống kê tại bệnh viện, nếu trước đây vài tháng các bác sĩ chỉ tiếp nhận rải rác ca bệnh thủy đậu thì từ cách đây khoảng 1 tuần, số ca bệnh thủy đậu phải nhập viện điều trị nội trú đã tăng lên 10 ca.

Theo đó, thông thường hàng năm bệnh thủy đậu thường diễn ra vào thời điểm mùa Đông - Xuân, tuy nhiên, theo quan sát, ngay từ thời điểm đầu năm, bệnh thủy đậu đã xuất hiện, chủ yếu ở người lớn cũng là điều khác thường.

Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều nhẹ, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra biến chứng nặng và tử vong. Đặc biệt, hiện nay người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên khi bệnh "vào mùa" nhiều người chủ quan, dẫn đến biến chứng khó kiểm soát nếu hệ miễn dịch suy yếu.

Chú thích ảnh
Nhiều người mắc thủy đậu có diễn biến khá nặng.

Cảnh giác không để bệnh lây lan thành dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận khoảng 70 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 548 ca mắc thủy đậu; số mắc tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Đặc biệt, trong tuần qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đã ghi nhận 23 ca mắc thủy đậu (từ đầu năm đến nay tại huyện Chương Mỹ đã có 237 ca thủy đậu). Trên địa bàn mới xuất hiện một ổ dịch mới tại Trường Tiểu học Phú Nghĩa với 6 ca mắc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm nay tăng cao hơn.

Theo các chuyên gia, hiện nay điều kiện thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, là điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan. Vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, tránh không để dịch lây lan. Đặc biệt, biến chứng của bệnh thuỷ đậu có thể rất nặng nề, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh thủy đậu, hạn chế các biến chứng nặng của bệnh. Vaccine thủy đậu được tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

Người dân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang cũng là cách dễ thực hiện, hiệu quả trong phòng bệnh thủy đậu.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
18 quận, huyện ở Hà Nội ghi nhận ca mắc thủy đậu
18 quận, huyện ở Hà Nội ghi nhận ca mắc thủy đậu

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 21/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 có 4 ca).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN