Ngày 31/8, Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân nghi mắc COVID-19. Một số trường hợp phát hiện khi nhập cảnh vào các nước nhưng chưa xác định được nguồn lây F0 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có trường hợp hết cách ly ở các tỉnh nhưng chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 đã được cho về Hà Nội, sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đề nghị các cấp, ngành cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là; xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài để hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
Về nội dung tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Qua kiểm tra 78/80 bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố, có 67 bệnh viện đạt tiêu chí an toàn; 8 bệnh viện an toàn mức thấp, tiếp tục dừng hoạt động 3 bệnh viện (Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi - Tech) do chưa khắc phục tồn tại.
Ngoài ra, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã vào cuộc tích cực, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; cập nhật danh sách người mua thuốc có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Hiện nay, tỷ lệ bệnh viện có mức an toàn thấp vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra việc khắc phục của các bệnh viện không an toàn và bệnh viện an toàn thấp; sẽ yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động nếu không khắc phục tồn tại.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị các quận, huyện trên địa bàn thành phố lưu ý các "điểm nóng" hành nghề y, dược tư nhân trước cổng các Bệnh viện 108, 103, Tai Mũi Họng Trung ương...; các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, ung bướu...; tập trung kiểm tra việc thực hiện phân luồng cách ly, đeo khẩu trang, giãn cách tại khu tập trung đông người và thông tin công khai, minh bạch các trường hợp vi phạm bị xử lý lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID - 19, Bộ Y tế, Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; trong đó tập trung tuyên truyền cho người dân không chủ quan, lơ là.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại địa điểm và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời khoanh vùng, dập dịch; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng ăn uống; xử phạt các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
“Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó kiểm soát tốt các ổ dịch khi có ca mắc mới; quản lý chặt chẽ khu cách ly tập trung tránh lây chéo; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, chú ý các khu công nghiệp tập trung đông người; phát huy vai trò các tổ giám sát tuyên truyền trong cộng đồng; tăng cường kiểm tra phòng chống dịch trong các bệnh viện, cơ sở y tế, phấn đấu 100% bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo an toàn; kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị.