Hà Nội phải tuân thủ nghiêm giãn cách mới có thể kiểm soát tình hình dịch COVID-19

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 tại Hà Nội đang rất phức tạp với nhiều ca bệnh trong cộng đồng, đa ổ dịch, dịch đã lây lan rộng; vì vậy việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải làm thật nghiêm mới có thể kiểm soát được tình hình.

Chú thích ảnh
Hà Nội nỗ lực kiểm soát dịch trong cộng đồng. Ảnh: Lê Phú

Nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan rộng

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận 1.059 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 642 ca, số ca là đối tượng đã được cách ly 417 ca. Đặc biệt số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Chỉ tính riêng từ sáng đến trưa ngày ngày 30/7, Hà Nội đã ghi nhận 61 trường hợp nhiễm mới; gồm 36 ca tại cộng đồng và 25 ca tại khu cách ly. Trong số các ca cộng đồng vừa ghi nhận, có tới 29 ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt. Bên cạnh đó, còn nhiều chùm ca bệnh vẫn đang ghi nhận nhiễm mới liên quan đến nhà thuốc 95 Láng Hạ, chùm liên quan đến TP Hồ Chí Minh, chùm liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội, chùm ở Tân Mai - Hoàng Mai...

Nhận định tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Dịch COVID-19 của Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt gần đây có rất nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt khi đi khám. Điều này có nghĩa là đã có nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan nhanh và rộng, nguy cơ rất lớn, còn nhiều ca bệnh còn đang ẩn trong cộng đồng. Đặc biệt vừa qua có một số ổ dịch như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm đã phát hiện số ca mắc đông; nhất là tại Bệnh viện Phổi Hà Nội ghi nhận cả cán bộ y tế, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chứng tỏ đã có sự lây lan rộng”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng, tình hình dịch ở Hà Nội không phức tạp như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, gần đây Hà Nội đã xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm nên nguy cơ dịch có thể bùng phát như tại TP Hồ Chí Minh bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, qua trường hợp Bệnh viện Phổi Hà Nội vừa qua cho thấy, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện là rất lớn. Dịch xâm nhập vào bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám khi thực hiện sàng lọc không hết; do người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện hoặc nhân viên y tế cũng có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài mang vào bệnh viện… Việc làm chặt sàng lọc phòng dịch tại bệnh viện là rất quan trọng.

Nghiêm túc giãn cách sẽ sớm kiểm soát dịch

Để nhanh chóng ngăn chặn dịch lây lan, hiện Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố dựa trên nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là biện pháp kịp thời, ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu thực hiện nghiêm túc thì sau giãn cách 14 ngày, sẽ làm giảm, làm chậm sự lây lan của dịch. Thậm chí, nếu dịch lây lan rộng trong cộng đồng thì với các biện pháp siết chặt nhanh vẫn có thể kiểm soát được. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người dân phải có ý thức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải được thắt chặt.

“Quan trọng nhất hiện nay là hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng; trong các khu phố, ngõ hẻm, người dân không ra khỏi nhà; nếu còn đi lại giao lưu, sang nhà nhau chơi, còn tụ tập là còn lây nhiễm. Với những trường hợp đi ra ngoài phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Hiện chỉ có thực hiện nghiêm biện pháp 5K là hiệu quả nhất để hạn chế lây nhiễm, không có cách nào hơn trong khi chúng ta vẫn đang chờ có đủ vaccine để triển khai tiêm diện rộng cho toàn dân”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Theo đó, để kiểm soát dịch, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng hay giãn cách xã hội ngay khi dịch có dấu hiệu lây lan rộng là những việc làm khoa học, quyết liệt để sớm khoanh vùng, dập dịch.

Theo các chuyên gia, trong các biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội, cần nghiên cứu đến việc thí điểm sớm cách ly F1, F0 tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: “Hà Nội cần thí điểm sớm việc có thể cách ly F1, F0 không có triệu chứng ngoài bệnh viện. Điều này là phù hợp để cơ sở y tế, hạ tầng y tế đảm bảo có sự dự trữ, trong trường hợp cần phải chăm sóc y tế thì mới vào bệnh viện. Trong thời điểm này, việc thí điểm này là cần cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, vì thí điểm nghĩa là chúng ta có sự chủ động. Tất cả đều cần phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là phải dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, trong bối cảnh này, Hà Nội nên triển khai thí điểm cho cách ly F1 tại nhà, với điều kiện phải đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc cách ly F1 tại nhà. Việc thưc hiện này vừa để thí điểm, vừa như một hình thức tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 30/7: Mỹ có trên 79.000 ca mắc mới; Trung Quốc bùng ổ dịch ở Nam Kinh
COVID-19 tới 6h sáng 30/7: Mỹ có trên 79.000 ca mắc mới; Trung Quốc bùng ổ dịch ở Nam Kinh

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 627.000 ca mắc COVID-19 và trên 9.590 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 197 triệu ca, trong đó trên 4,21 triệu ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN