Giá mời thầu thuốc y học cổ truyền thấp nên không có đơn vị tham gia cung ứng

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) trao đổi về những khó khăn trong mua sắm dược liệu, thuốc y học cổ truyền thời gian qua.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế).

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành y tế thời gian qua, công tác đấu thầu, mua sắm các thuốc y dược cổ truyền tại các bệnh viện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, ngành y tế nói chung và ngành y học cổ truyền nói riêng đều gặp khó khăn về vấn đề đấu thầu, cung ứng thuốc, cũng như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Tình trạng thiếu thuốc cũng xảy ra với lĩnh vực y dược cổ truyền. Nguyên nhân cơ bản cũng liên quan đến đấu thầu, mua sắm.

Cụ thể, khi các bệnh viện tổ chức đấu thầu các loại thuốc, vị thuốc y học cổ truyền, đa số giá mời thầu luôn thấp hơn giá thị trường nên hầu như không có các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dược liệu tham gia. Bởi giá dược liệu còn phụ thuộc việc trồng, chăm sóc, sản lượng tính theo thời vụ nên nếu mất mùa thì giá sẽ đắt hơn và ngược lại; rất khó cho các doanh nghiệp tham gia.

Hiện tại vấn đề về giá đấu thầu dược liệu tại các cơ sở y tế công lập đang được phê duyệt có thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường; khi giá đấu thầu thấp hơn thì cơ sở cung ứng không thể tham gia được. Họ không thể bán dược liệu với giá lỗ vốn; trong khi giá thuốc y học cổ truyền và dược liệu tăng theo trượt giá chung của thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng dược liệu, chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên thì giá cả cũng phải cao hơn.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh việc trồng dược liệu trong nước.     

Những khó khăn này đang được giải quyết ra sao, thưa ông? 

Về nguyên tắc, y học cổ truyền có thể sử dụng các vị thuốc thay thế nhau. Đơn cử như trong nhóm thuốc bổ huyết sẽ có 7 - 8 loại, do đó, khi thiếu vị này, bác sĩ có thể kê đơn thay thành vị thuốc khác. Bác sĩ có thể linh hoạt được mà không ảnh hưởng đến bài thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều vị thuốc không thể thay thế được thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó, các quy định cũng có những yêu cầu với các đơn vị xuất khẩu vào Việt Nam; nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc còn có tiêu chuẩn riêng và không phù hợp với quy định. Cục đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định quy định về vấn đề này sao cho phù hợp với quy chuẩn chung của các nước.

Thời gian qua, Cục Y dược cổ truyền cũng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế để tham mưu, ban hành nhiều văn bản như: Thông tư 38, Thông tư 39 quy định về chất lượng dược liệu hay Thông tư 32 về quy định điều chế chế biến và Cục cũng đang gấp rút sửa Thông tư 42, Thông 30, Thông tư 05… liên quan đến thanh toán thuốc y học cổ truyền. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật đều không có vướng mắc.

Cục cũng đã có những sửa đổi theo những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nên việc cung ứng dược liệu và thuốc cổ truyền vào các bệnh viện đã bắt đầu ổn định.

Hiện nay, Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) và các bệnh viện đã bắt đầu đấu thầu được các loại thuốc, kết hợp với nguồn thuốc dự trữ từ trước, nên đã phần nào đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh.

Clip PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nói về đấu thầu thuốc y học cổ truyền: 

Theo ông, đâu là giải pháp lâu dài, bền vững để giải quyết khó khăn, đảm bảo ổn định và chủ động nguồn thuốc y học cổ truyền phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân?

Bên cạnh việc tập trung sửa đổi các quy định để phù hợp với công tác đấu thầu, mua sắm thuốc y học cổ truyền tại các cơ sở y tế, quy định về xuất, nhập khẩu dược liệu; chúng ta cần tập trung vào nguồn cung, đầu tư vào việc trồng và chất lượng dược liệu.

Để đối trọng với lượng dược liệu phải nhập khẩu, Việt Nam cần đầu tư về mặt khoa học, nghiên cứu để có nguồn dược liệu, sản phẩm thay thế. Đặc biệt, phải được Hội đồng Dược điển đánh giá giá trị chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn làm thuốc theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng Dược điển và Viện kiếm nghiệm thuốc Trung ương phối hợp với nhiều cơ quan khác để cùng vào cuộc, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đầu tư vào nuôi trồng… để có những sản phẩm dược liệu thay để chủ động phần nào trong công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Y tế cũng đã có chủ trương phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, nên việc sử dụng thuốc y học cổ truyền cũng đã khá linh hoạt. Việc cung ứng thuốc về cơ bản đã không gặp nhiều khó khăn.

Xin trân trọng cám ơn ông! 

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Thủ tướng: Tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế
Thủ tướng: Tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

Sáng 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP về mua sắm y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế tuyến cuối trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời nắm bắt tình hình, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN