Gia Lai: Bệnh viện quá tải do dịch bệnh gia tăng ở trẻ em

Gia Lai đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp, tay chân miệng, đường ruột, sốt xuất huyết… ở trẻ em tăng mạnh khiến nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh quá tải.

Chú thích ảnh
Phòng điều trị bệnh nội trú của Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, hầu hết các khoa - phòng đều phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang mới đủ chỗ cho bệnh nhi và người nhà chăm sóc.

Chăm sóc bé Phạm Xuân Hoàng (21 tháng tuổi) bị viêm phổi, điều trị gần 1 tuần nay tại Bệnh viện Nhi, bà Nguyễn Thị Hoa thường trú tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku cho biết, do bệnh nhân nhập viện và điều trị rất đông nên giường bệnh không đủ phục vụ. Nỗ lực lắm, bệnh viện mới bố trí được giường ngoài hành lang để hai bà cháu nằm.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tổng hợp - Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai) phải điều trị nội trú cho trên 200 bệnh nhân, trong khi toàn bộ Khoa chỉ có khoảng 160 giường bệnh. Riêng phòng điều trị bệnh lý về hô hấp chỉ bố trí được 60 giường nhưng có tới hơn 80 bệnh nhân đang nằm. Do đó, những ngày qua, bệnh viện phải ghép giường đôi, giường ba và kê thêm giường ở ngoài hành lang mới đủ chỗ cho bệnh nhi nằm.  

Chú thích ảnh
Các y, bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Rmah Din, Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp - Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho hay, thời điểm này thời tiết giao mùa nên trẻ thường mắc các bệnh truyền nhiễm. Hàng ngày, Khoa tiếp nhận trên 200 ca vào nằm điều trị và đa số là các bệnh lý về hô hấp. Số bệnh nhân tăng đột biến khiến Khoa không đủ giường bệnh phục vụ. Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân, Khoa kê thêm giường, bổ sung thiết bị y tế và điều tiết nhân lực hỗ trợ.  

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2022 đến nay, các loại bệnh liên quan đến trẻ em có xu hướng tăng cao, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh lên tới trên 7.400 lượt, trong đó 80% là trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về truyền nhiễm, đông nhất là bệnh lý về hô hấp với hơn 3.000 lượt khám, trên 560 ca nhập viện.

Trước tình trạng số bệnh nhi tăng cao gây quá tải bệnh viện tuyến trên, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, xã, thành phố cần lên phương án nâng cao năng lực khám, thu dung và điều trị tại chỗ để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi phải nằm giường ghép để điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái cho biết, Sở đã chỉ đạo đến các cơ sở y tế, tùy mức độ bệnh mà tư vấn, thu dung và điều trị theo đúng phân tuyến kỹ thuật nhằm tránh việc bệnh nhân đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh gây nên tình trạng quá tải. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, các bệnh lý thông thường nên điều trị tại tuyến cơ sở tránh việc đi lại gây tốn kém.

Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi sắp xếp lại, tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho các Khoa Hô hấp, Truyền nhiễm để đáp ứng tốt yêu cầu thu dung, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, tránh xảy ra tai biến y khoa trong giai đoạn chuyển giao mùa này, ông Lý Minh Thái cho biết thêm.

Theo dự báo của ngành Y tế tỉnh Gia Lai, tình hình trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm tiếp tục có chiều hướng gia tăng vào những tháng cuối năm. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám - điều trị, không nên tự mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Bảo đảm phòng, chống dịch bệnh sau lũ quét ở Kỳ Sơn
Bảo đảm phòng, chống dịch bệnh sau lũ quét ở Kỳ Sơn

Sau 5 ngày xảy ra lũ ống, lũ quét, chính quyền, các lực lượng chức năng cùng người dân địa phương huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đang tranh thủ thời gian, huy động tổng lực khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được ngành Y tế gấp rút triển khai, đảm bảo không để dịch bệnh sau mưa lũ xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN