Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Các lực lượng thuộc Công an tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh đã nhanh chóng rà soát trên toàn tuyến, nhất là Quốc lộ 1A để cắt dọn, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, góp phần khắc phục hậu quả một cách sớm nhất. Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở núi, Công an các địa phương phối hợp cùng chính quyền và các ngành chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, góp phần ngăn ngừa rủi ro về người và tài sản do sạt lở núi, lũ quét thường xảy ra sau bão.
Các tuyến giao thông về các huyện miền núi, Quốc lộ 14 B nối huyện Nam Giang với huyện Đại Lộc và thành phố Đà Nẵng, Tỉnh lộ 611 kết nối các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, các Tỉnh lộ 606, 609 bị chia cắt nhiều nơi do sạt lở đất và đá lăn xuống nền đường. Để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ việc đi lại của nhân dân, vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu cho đồng bào, ngành Giao thông Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai các lực lượng tại chỗ, san ủi hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở, cắm biển báo tại những khu vực nguy hiểm. Đến trưa 28/9, tất cả tuyến đường bị ảnh hưởng bởi bão số 4 đã được thông tuyến hoàn toàn
Ông Lê Đức Hạnh, Công ty Cổ phần Công trình Giao thông vận tải Quảng Nam chia sẻ: Khu vực Đèo Le trên Tỉnh lộ 611 mùa mưa bão năm nào cũng sạt lở, Công ty bố trí lực lượng ứng trực tại chỗ. Ngay sau khi mưa tạnh, lực lượng và phương tiện tại đây nhanh chóng san lấp hơn 2 nghìn mét khối đất đá, đảm bảo thông xe sớm nhất.
Bão vừa tan, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã lập 4 đoàn đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão, chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu ăn, tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, phòng ngừa dịch bệnh, sửa chữa trường học bị hư hại để sớm đưa vào sử dụng trong vài ngày tới.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão, triển khai đồng bộ các phương án thực tế và người dân ý thức cao trong việc phòng ngừa nên thiệt hại do bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được hạn chế ở mức thấp nhất.
Ông Trần văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Đối với một số ít nhà cửa và trường học bị tốc mái, các địa phương đang vận động nhân dân khắc phục, sửa chữa để sớm có chỗ ở ổn định và học sinh sớm được đến trường. Các hạ tầng giao thông, hệ thống điện bị hư hại đang được các ngành, địa phương tập trung khắc phục nhằm giúp đời sống sinh hoạt, sản xuất sớm trở lại bình thường, ngăn ngừa dịch bệnh có khả năng xảy ra sau mưa bão.