Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. |
Thông tin này được cho biết tại Hội nghị sơ kết điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tổ chức ngày 29/5 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là dự án do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Y tế thế giới thực hiện.
Bà Mei Mei Peng, Phó Giám đốc Phòng Y tế của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho biết, từ tháng 3/2017 Dự án cung cấp dịch vụ PrEP được triển khai thí điểm tại Việt Nam, trong đó chú trọng cung cấp thuốc PrEP cho những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và những bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV. Việc cung cấp thuốc được thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông qua các phòng khám ngoại trú công lập, tư nhân và các tổ chức cộng đồng.
Đến nay, đã có 1.200 người có nguy cơ cao được sử dụng PrEP - viên thuốc kết hợp hai thành phần kháng vi-rút HIV là Tenofovir và Emtricitabine, tương tự như thành phần của thuốc kháng vi-rút trong điều trị HIV (ARV). Nếu dùng PrEP hàng ngày theo kê đơn có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92 - 99% ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP như một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Đánh giá đây là loại “vắc-xin mới” trong ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, đây là một trong những giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhằm giúp Việt Nam thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Với kết quả này, trong thời gian tới Việt Nam sẽ triển khai mở rộng cung cấp PrEP, trước mắt sẽ mở rộng ở 11 tỉnh, thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt 5.610 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt khoảng 7.300 người.