Dù dịch bệnh nhưng không ‘giãn cách’ nguồn máu, tiểu cầu cho điều trị

Những người tình nguyện tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên đã thầm lặng, bền bỉ vượt qua đại dịch, để mang đến cơ hội cứu chữa cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Đông đảo người dân đến đăng ký hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. 

Sẵn sàng chia sẻ nguồn máu cứu người

Ngày 15/1, gia đình ông Trần Văn Toan (ở Mê Linh, Hà Nội) phấn khởi cùng nhau tới Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tham dự chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021. Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mà vợ chồng ông Toan vẫn thực hiện bấy lâu nay, hôm nay con trai ông cũng theo đến để hiến máu lần đầu tiên.

Từng phục vụ trong quân đội và có nhiều năm công tác tại quần đảo Trường Sa, tinh thần cống hiến của người lính vẫn nguyên vẹn khi đã về hưu; đều đặn hàng tháng, ông Toan vẫn cùng vợ tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu bất kể mưa, nắng, miễn có đủ sức khỏe là hiến.

“Tuy tôi đã gần 60 tuổi nhưng tôi thấy sức khỏe tôi vẫn còn tốt, vẫn còn có thể hiến máu cứu người bệnh, giúp ích cho cộng đồng thì tôi luôn sẵn sàng. Tôi bắt đầu tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu từ năm 2017, khi lên thăm con gái học đại học Sư phạm Hà Nội 2. Tôi đã từng biết đến hoạt động hiến máu, nhu cầu cần máu điều trị từ các kênh thông tin, báo, đài, và qua hoạt động sinh viên của con tôi. Thế là tôi chở con đến thẳng Việt Huyết học - Truyền máu Trung ương để đăng ký hiến máu”.

Chú thích ảnh
Gia đình ông Trần Văn Toan là những tấm gương tích cực tham gia hiến máu tình nguyện.

Tuy lần đầu tiên đăng ký hiến máu “không thành” vì huyết áp không ổn định, chỉ có con gái hiến được, còn ông phải hoãn nhưng vẫn nuôi quyết tâm cố gắng để tham gia. Những lần sau đó, cứ đủ 21 ngày, có đủ sức khỏe là ông lại đi hiến tiểu cầu ngay; kể cả những lúc giãn cách vì dịch bệnh.

“Đến nay, tôi đã hiến tiểu cầu 24 lần, và đặc biệt tôi cũng vận động cả vợ và các con tôi cùng tham gia hiến máu cứu người. Tôi rất tự hào khi động viên được cả gia đình có thể cùng nhau làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng”, ông Trần Văn Toan chia sẻ.

Cũng tham dự buổi gặp mặt, anh Phạm Văn Hiếu, ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Nội từng hiến tiểu cầu 40 lần chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để có thể tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu khi đủ điều kiện. Từ khi tham gia hoạt động hiến máu, tôi chủ yếu hiến tiểu cầu vì tôi biết nhu cầu tiểu cầu cho điều trị rất lớn; bên cạnh đó, tôi cũng đan xen với hiến máu toàn phần. Đặc biệt, thời gian quay vòng hiến tiểu cầu nhắc lại ngắn hơn, chỉ 21 ngày nên tôi có thể tham gia thường xuyên hơn”.

Chú thích ảnh
Người dân hiến tiểu cầu.
Chú thích ảnh
Nhu cầu tiểu cầu cho điều trị rất lớn.

Đặc biệt, đến nay, anh Hiếu đã có thể vận động được gần 60 người xung quanh cùng tham gia hoạt động hiến máu, lan tỏa tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.

“Tôi cũng mong muốn nhiều người dân biết đến phong trào hiến máu, hiến tiểu cầu để có thể cùng tham gia, mang lại cơ hội cứu chữa cho nhiều người bệnh luôn cần máu. Khi tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, sức khỏe cũng thay đổi tích cực hơn, cảm giác như luôn cơ thể luôn được thay thế nguồn máu mới”, anh Hiếu chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Trần Văn Toan, anh Phạm Văn Hiếu, gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 là đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên; họ là những người đã thầm lặng, bền bỉ vượt qua đại dịch, dành thời gian hàng tiếng mỗi lần đi hiến tiểu cầu để chia sẻ với người bệnh. Thậm chí, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu tới hơn 100 lần; có người đã tham gia hiến tiểu cầu tới 17 lần trong năm vừa qua.

Chú thích ảnh
Người đến tham gia hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được đảm bảo sàng lọc phòng dịch rất kỹ càng.

Tinh thần tình nguyện vượt lên khó khăn dịch bệnh

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã lây lan mạnh trong cộng đồng, việc phải đảm bảo giãn cách, phòng dịch ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động. Ngành y tế vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh; đồng thời phải đảm bảo đủ lượng máu và các chế phẩm máu phục vụ cho điều trị. Vào những thời điểm khó khăn nhất, vất vả nhất khi thiếu nguồn người hiến máu, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương vẫn luôn nhận được sự đồng hành “kề vai sát cánh” của người dân, cộng đồng.

TS.BS Trần Ngọc Quế, phụ trách Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: “Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, có những thời điểm lượng máu dự trữ xuống quá thấp, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu máu điều trị; nhưng chỉ cần phát đi lời kêu gọi là chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân tham gia. Thậm chí có những người đến lịch hiến máu, hiến tiểu cầu, chưa cần gọi nhắc lịch họ đã tự tới hiến. Vì vậy, năm vừa qua, tuy dịch bệnh, giãn cách nhưng về cơ bản chúng tôi vẫn đảm bảo được đủ tiểu cầu để phục vụ điều trị cho người bệnh và không để xảy ra lây lan dịch bệnh cho người dân tham gia hiến máu; đó là thành quả rất lớn”.

Những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng khối tiểu cầu gạn tách từ một người cho ngày càng tăng, Viện Huyết học đã tiếp nhận được trung bình khoảng 20.000 đơn vị tiểu cầu mỗi năm. Riêng năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu, trong đó 65% là hiến tình nguyện, có nhiều người đã đều đặn hiến tiểu cầu hàng tháng.

Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3- 5 ngày). Trên thực tế, có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: Xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2- 3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Clip ghi nhận tinh thần hiến máu, hiến tiểu cầu của người tình nguyện:

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Những thanh niên có số lần hiến máu nhiều hơn số tuổi
Những thanh niên có số lần hiến máu nhiều hơn số tuổi

Đó là câu chuyện của Dương Ngô Trí (Bắc Giang), Vũ Thị Hồng Thoa (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), và nhiều những tấm gương thanh niên luôn sẵn sàng hiến máu cứu người trên khắp cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN