Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế cấp xã phù hợp với tình hình chống dịch COVID-19

Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao dẫn đến các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại một số địa phương trong cả nước trở nên quá tải.

Chú thích ảnh
 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai phương án quản lý, điều trị tại nhà đối với những trường hợp bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không chỉ góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19, mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh.

Tuy nhiên, việc quản lý, điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang đặt lên vai cán bộ y tế trách nhiệm nặng nề, bởi nhân lực “mỏng”, phải đảm đương đủ loại công việc như lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi điều trị, chuyển F1 đi cách ly, đến tiêm chủng… nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang giao cho các đơn vị liên quan của Bộ tổ chức hội thảo để sau này có những điều chỉnh đối với chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế cấp xã cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của trạm y tế xã, phường đối với công tác phòng, chống dịch?

Phải nói rằng, chức năng, nhiệm vụ, vai trò của y tế cấp xã, đặc biệt là trạm y tế  xã, phường, thị trấn là phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để thực hiện các chương trình về tiêm chủng, theo dõi, giám sát các bệnh không lây nhiễm. bên cạnh đó còn phát hiện những nơi có nguy cơ bùng phát ổ dịch truyền nhiễm, báo cáo với Trung tâm y tế cấp huyện để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, là dịch bệnh mới nổi nên trạm y tế chỉ có chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát, phát hiện, báo cáo với Trung tâm y tế huyện để sẵn sàng dập dịch khi có ổ dịch có nguy cơ bùng phát.

Vì đây là căn bệnh mới nổi nên chúng ta phải vừa làm, vừa có biện pháp phù hợp. Chính vì vậy, vừa rồi Bộ có tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ hình thành các trạm y tế lưu động, mục đích là để làm sao những người không may bị mắc COVID-19 được tiếp cận ngay đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường như khi chưa có dịch. Cùng với đó là được chăm sóc, cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội, từ gói thuốc an sinh...

Chính vì thế, Bộ đang giao cho các đơn vị liên quan của Bộ tổ chức hội thảo để sau này có những điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế cấp xã cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Hiện có nhiều người phản ánh, họ đã có xét nghiệm dương tính rồi nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của y tế, điều này cũng có thể ghi nhận một sự quá tải của y tế tuyến cơ sở. Trong tình hình khuyến khích F0 có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà thì về lâu dài, ngành Y tế có giải pháp như thế nào để tăng cường, nhanh chóng nâng cao chất lượng, hay chi viện cho y tế cơ sở không, thưa ông?

Về thông tin này, Bộ Y tế ghi nhận và có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh kiểm tra và chấn chỉnh nếu có trường hợp này. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về trạm y tế lưu động và quy định rất rõ một trạm y tế lưu động chỉ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình hoặc 30-50 trường hợp bị F0, tùy theo điều kiện địa lý, điều kiện cụ thể, để làm sao đảm bảo đủ năng lực và khả năng theo dõi những trường hợp này.

Thứ hai là cung cấp các thông tin, đặc biệt là số điện thoại của trạm y tế lưu động và cơ sở y tế địa phương để khi những trường hợp F0 này báo thì sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà; thậm chí nếu có diễn biến bất thường thì sẽ có những hướng dẫn khai báo cho y tế thế nào để xử lý kịp thời, tránh việc lây lan ra cộng đồng và tránh việc chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang nặng.

Thứ ba, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, hướng dẫn với những trường hợp này.

Bộ Y tế đã có đề xuất thế nào với Chính phủ về vấn đề cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế của cơ sở; những đề xuất đã được giải quyết đến đâu, thưa ông?

Hiện nay, đối với một số chế độ, chính sách cho y tế cơ sở, y tế tuyến đầu, Bộ Y tế đã đề nghị và Chính phủ cũng đã có Nghị định, họp bàn Nghị quyết để triển khai. Phải nói rằng vừa rồi tất cả chế độ, chính sách được Chính phủ thông qua đều đã được triển khai đến cơ sở và các địa phương cũng đã triển khai thực hiện, tuy nhiên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Chúng tôi thấy, đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch cần có những điều chỉnh về chế độ phụ cấp, động viên khen thưởng làm sao cho phù hợp, vừa đảm bảo điều kiện bình thường của cán bộ y tế cơ sở, cũng như động viên tinh thần cho cán bộ trong quá trình làm việc hiện nay.

Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục tổ chức hội thảo và lấy ý kiến của cơ sở để đề nghị với Thủ tướng, Chính phủ. Có những nội dung Bộ Y tế cũng đã tổng hợp và đang nằm trong chiến lược phòng, chống dịch trong tình mới, giai đoạn 2022-2023, cũng như trong chương trình phục hồi kinh tế chung của Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây. Khi được thông qua thì Bộ Y tế sẽ triển khai thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích - Huệ  (TTXVN)
Đà Nẵng sẽ triển khai hai trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp
Đà Nẵng sẽ triển khai hai trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp

Để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đồng ý với đề xuất triển khai thành lập 2 trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN