Để trẻ khỏi phát bệnh vì áp lực học tập. Bài cuối: Phải hiểu và đồng hành cùng con

Đối với trẻ ở độ tuổi cấp I, cấp II, việc bố mẹ phải sát sao, giúp con định hướng cân đối giữa học và chơi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh việc biến con thành trẻ thụ động và phát bệnh vì chạy theo “lập trình” học tập của các phụ huynh.

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, đã chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp liên quan đến vấn đề nêu trên.

Cha mẹ cần giúp con trẻ cân đối giữa học và chơi để tránh cho con khỏi áp lực học tập. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN.

Thưa bác sĩ, trẻ nhập viện điều trị stress do áp lực học tập thường ở độ tuổi nào? Nguyên nhân do đâu và việc điều trị cho những bệnh nhi này có phức tạp không?


Thời gian gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần thường tiếp điều trị cho nhiều trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học tập. Những trẻ này thường là học sinh cấp I và  cấp II, song chủ yếu là học sinh cấp II.


Trong số đó có nhiều loại bệnh khác nhau, có những cháu mắc bệnh thuộc nhóm Tâm can suy nhược (rối loạn cả cơ thể, rối loạn phân ly, lo âu…) và nhóm phát triển bệnh theo hướng Rối loạn cảm xúc hành vi tuổi thanh thiếu niên (các cháu này có xu hướng chống đối gia đình, xã hội, nếu không quản lý tốt thì trẻ dễ phát triển lệch lạch thành trẻ hư).


Ở độ tuổi cấp I, cấp II, trẻ vẫn ham vui, thích vui chơi hơn học tập. Chính vì vậy, việc bố mẹ sát sao giúp con định hướng cân đối giữa học và chơi là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế, nhiều ông bố bà mẹ đã “ép” con học quá nhiều, họ cho rằng mình đang vì con, đang đưa điều tốt đẹp đến cho con nhưng thực ra chưa phù hợp với con trẻ.


Chính vì không phù hợp nên trẻ không thể cân đối được giữa việc học và chơi. Việc phải làm theo ý muốn của cha mẹ nên dần biến các cháu thành những trẻ thụ động, không có mục đích, thiếu tự tin, cha mẹ bảo sao nghe vậy. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị stress, rơi vào một trong hai trạng thái như nêu trên.


Việc điều trị cho những trẻ stress vì áp lực học tập thì cần phải áp dụng liệu pháp gia đình, tức là phải điều trị cho cả bố mẹ. Bởi lẽ trị bệnh phải trị từ gốc, chỉ khi nào cha mẹ hợp tác cùng bác sĩ điều trị cho trẻ thì hiệu quả mới khả quan. Tuy nhiên, thực tế, không phải ông bố bà mẹ nào cũng dễ chấp nhận mình là nguyên nhân gây áp lực, khiến con trẻ mắc bệnh. Do đó, trong một số trường hợp, việc điều trị "giậm chân tại chỗ" vì thiếu sự hợp tác của cha hoặc mẹ do họ kiên quyết không giảm bớt môn học cho trẻ.


Nhiều bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện vẫn có xu hướng cho con trẻ học nhiều, vì họ cho rằng như vậy sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Vậy những ông bố, bà mẹ theo xu hướng này cần lưu ý điều gì và những biểu hiện đặc trưng khi trẻ có vấn đề về tâm lý cần được đưa đi thăm khám là gì, thưa bác sĩ?


Với những phụ huynh vẫn muốn con trẻ học tập theo kế hoạch lập trình sẵn thì cần phải chú ý, trước khi định hướng muốn giúp con phát triển thế nào thì phải hiểu tính cách con là người mạnh mẽ hay yếu đuối. Đồng thời, phải hiểu khả năng của con để chọn phương pháp, môn học phù hợp.


Đặc biệt, cần lưu ý thay bằng làm hộ con mọi việc thì hãy dạy con tinh thần trách nhiệm. Trong cuộc sống có 2 tính cách rất qua trong là tự tin và trách nhiệm. Có trách nhiệm thì trẻ mới nghĩ ra vấn đề gì cần làm, cái gì cần cho cuộc sống và những người xung quanh. Nếu không có trách nhiệm, chỉ làm theo ý bố mẹ lâu dần sẽ thành quen và chắc chắn sau này ra đời sẽ thụ động, khó phát triển.


Cụ thể, với những trẻ được giáo dục theo kiểu lập trình thì cha mẹ cần chú ý 2 giai đoạn, đó là trước tuổi dậy thì (trẻ cấp I) và tuổi dậy thì (cấp II).


Ở độ tuổi học cấp I, trẻ còn nhỏ nên thường ít biểu hiện áp lực học tập, thậm chí rất khó phát hiện. Nếu có, các cháu biểu hiện bằng mệt mỏi, kìm nén cảm xúc. Ví dụ, bình thường, cháu rất yêu gấu bông nhưng tự nhiên lại vẽ bậy, tức tối ném đi… thì cha mẹ cần chú ý vì điều đó thể hiện cảm xúc bên trong cháu đang bị đè nén, cháu hành động như vậy là để giải tỏa cảm xúc.


Bên cạnh đó, nếu trẻ học giảm sút, mất tập trung thì cha mẹ chớ trách phạt, hãy tìm hiểu xem con có bị căng thẳng vì bài vở hay lịch học quá nhiều không.


Còn đối với trẻ học cấp II thì các biểu hiện stress thường phát triển theo 2 hướng. Một là những cháu có bản tính hiền lành thì ít thể hiên cái tôi, các cháu không phản đối vẫn làm theo chỉ dẫn của cha mẹ nhưng âm thầm nhận ra bố mẹ không đúng. Đến một lúc các cháu bị căng thẳng và không chịu được nữa thì rơi vào tình trạng stress quá mức (thuộc nhóm bệnh tâm can suy nhược), nhiều cháu hay kêu đau đầu, đau bụng, mệt mỏi… đi khám khắp nơi mà không ra nguyên nhân gì.


Hai là với những trẻ có tính cách mạnh mẽ thì các cháu sẽ cãi lại bố mẹ ngay nếu thấy áp đặt. Nếu áp lực học tiếp tục duy trì thì các cháu thậm chí sẽ chống đối mọi điều mà cha mẹ mong muốn. Đơn cử, trẻ bỏ qua mọi lời cha mẹ, bảo học không học, bảo làm không làm, sẵn sàng cãi lại. Ở bên ngoài thì các cháu nghịch ngợm, đánh nhau nhiều hơn...


Đáng lo là cả cả hai nhóm trẻ này đều có biểu hiện giảm lòng tin vào bố mẹ, tức dù bố mẹ nói gì thì trẻ cũng nghi ngờ, thậm chí không tin tưởng như trước nữa. Nhưng lời khuyên với các bậc phụ huynh là đừng vội kết luận con hư, hãy quan tâm và kiểm tra nguyên nhân vì sao, có phải con đang bị áp lực học tập quá sức hay không để tìm giải pháp hỗ trợ, giúp con tránh khỏi trạng thái strees.


Xin cảm ơn bác sĩ!


Phương Liên/Báo Tin Tức
Để trẻ khỏi phát bệnh vì áp lực học tập. Bài cuối: Phải hiểu và đồng hành cùng con
Để trẻ khỏi phát bệnh vì áp lực học tập. Bài cuối: Phải hiểu và đồng hành cùng con

Đối với trẻ ở độ tuổi cấp I, cấp II, việc bố mẹ phải sát sao, giúp con định hướng cân đối giữa học và chơi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh việc biến con thành trẻ thụ động và phát bệnh vì chạy theo “lập trình” học tập của các phụ huynh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN