Để trẻ khỏi phát bệnh vì áp lực học tập - Bài 1: Phát bệnh thần kinh, mắc chứng sợ bẩn

Vì sức ép triền miên phải “chạy” theo hàng loạt môn học thêm mà cha mẹ “lập trình” như: Văn, toán, ngoại ngữ, đàn, hát, thể thao… không không ít trẻ phải đến Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị stress, hội chứng sợ bẩn, thường xuyên đau bụng, đau ngực…

Nếu bị áp lực học tập kéo dài, trẻ có thể bị stress quá mức, thường xuyên đau bụng, đau ngực... không rõ nguyên nhân.

Ngất lịm, chân tay co quắp, câm lặng… vì stress trầm trọng

Mới đây, cháu Nguyễn Thu Hà (sinh năm 2004, Hà Nội) phải nhập Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, vì mất tiếng, không nói được, tinh thần suy sụp. Nguyên nhân do cháu bị stress quá mức bởi áp lực học tập từ phía cha mẹ.


Gia đình cháu Hà cho biết, khi nhập viện cũng là lúc Hà vừa kết thúc năm học lớp 8 để lên lớp 9. Ở nhà, Hà không phải làm việc nhà vì cô con gái út này được cả Ba và Mẹ rất quan tâm, yêu chiều, đặc biệt là chị Trần Hải Yến, mẹ Hà. Vì mong con sau này tự tin bước vào đời, có thể tự đi du học khi hết cấp III, chị Yến đã chủ động tìm thầy, cô giáo giỏi để trau dồi mọi kiến thức cho con.


Cụ thể, ngoài giờ học trên lớp, chị cho cháu Hà học thêm môn văn, tiếng Anh, học đàn và học vẽ, chị còn dự định cho con tham gia lớp dance sport vì nghĩ sẽ cần cho con khi đi du học… Lịch học của Hà cũng vì vậy luôn kín mít, và để khỏi quên chị Yến tự tay làm thời gian biểu rồi dán lên tường cho con.


“Ban đầu, cháu cũng không thích cứ phải đi học suốt như vậy nhưng Ba, Mẹ nói vậy mới tốt… nên cháu nghe theo. Nhưng cũng mệt ạ, cháu cứ như rô bốt suốt ngày đi học, chẳng có lúc nào để chơi nữa”, Thu Hà chia sẻ.


Áp lực học tập kéo dài nên cháu Hà hay có biểu hiện mệt mỏi, thụ động hết học ở trường lại theo mẹ đến các lớp học. Cháu cũng không nhớ nổi và cũng không cần nhớ thứ 7 trong tuần sẽ học môn gì vì đến giờ là đã có mẹ nhắc và đưa tới lớp học.


Và giọt nước đã tràn ly khi trước đợt thi học kỳ 2 vừa rồi, mẹ Hà lo lắng vì điểm toán của Hà chưa cao. Nghe mẹ tính chuyện thuê một gia sư về để phụ đạo thêm toán, Hà khẩn khoản: “Con không muốn học thêm toán, con sẽ cố lấy điểm môn xã hội để bù môn học tự nhiên”. Tuy nhiên, mẹ Hà vẫn kiên quyết: “Con cần học thêm để đảm bảo kết quả thi không bấp bênh”.


Bị ép học thêm nên Hà càng thêm mệt mỏi, cô giáo dạy nhưng cháu cho biết chẳng hiểu gì. Chỉ vài tuần sau, Hà bị stress quá mức, phải nhập viện với triệu chứng co giật, giãy giụa phân ly, ngất lịm, mắt nhắm nghiền, tay co quắp, tim đập nhanh…


Bác sĩ đã điều trị cho Hà, đặc biệt tư vấn cho chị Yến để để giảm mục tiêu học tập, quan trọng nhất là quan tâm đến sở thích để giúp trẻ tự tin. Nhưng chưa được bao lâu thì Thu Hà lại tiếp tục phải nhập viện vì suy sụp, mất tiếng, không nói được.


Chuyện là vì sau khi làm kiểm tra toán cháu không nộp bài nhưng lại khẳng định với cô giáo: “Con đã nộp bài”. Cho đến khi, cả đại diện Ban giám hiệu xuống tìm thì mới phát hiện bài đang nằm trong cặp sách. Lúc đó, Hà mới nức nở, vừa khóc vừa nói: “Vì con sợ bài làm không tốt, điểm kém về bị mẹ mắng”.


Sau đó, do bị căng thẳng vì mẹ phải đến gặp cô giáo, ban giám hiệu; rồi bạn bè xì xầm… nên cháu Hà lại rơi vào trạng thái stress trầm trọng, cháu mất tiếng hoàn toàn, không nói được, hoảng sợ và rất mệt mỏi.


Lực học giảm, mắc hội chứng sợ bẩn


“Việc điều trị cho các cháu bị trầm cảm do áp lực học tập sẽ tiến triển tốt nếu có sự hợp tác của gia đình, nhưng đáng tiếc là không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu ra vấn đề. Thực tế, nhiều trẻ phải kéo dài thời gian điều trị do bố hoặc mẹ kiên quyết bảo vệ quan điểm học nhiều là tốt cho con”, TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress, cho biết.


Điển hình nhất là trường hợp của bệnh nhân Trần Minh Hoàng, học lớp 7, ở quận Ba Đình, Hà Nội. Đã 3 năm nay, cháu Hoàng phải điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần do bị trầm cảm và mắc hội chứng “sợ bẩn”.


Đáng nói, Hoàng vốn là một học sinh giỏi, cháu đã đạt giải nhất trong kỳ thi tiếng Anh toàn quốc dành cho học sinh cấp II. Gia đình Hoàng rất có điều kiện, bố là chủ một doanh nghiệp lớn nên mẹ cháu đã chủ động “đầu tư” tìm toàn thầy giỏi những mong con phát triển toàn diện. Điều đó đồng nghĩa, Hoàng phải tham gia rất nhiều lớp học thêm, ngoài các môn như toán, văn, anh thì cháu còn học vẽ, đánh đàn.


“Cháu bị áp lực, căng thẳng tới mức sẵn sàng khóc bất cứ lúc nào khi bác sĩ hỏi đến. Cháu nói mệt và không biết học để làm gì. Cũng vì sợ bị áp đặt, nên ở cháu xuất hiện chứng “sợ bẩn”, không dám chạm vào đồ vật gì và sợ cả người lạ. Cứ như vậy, lâu ngày cháu rơi vào trạng thái rối loạn lo âu và phải nhập viện điều trị””, TS Dương Minh Tâm chia sẻ.


Thương nhất là đến nay sau gần 3 năm điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu Hoàng vẫn không khá hơn. Hàng ngày, cháu vẫn tắm và rửa tay hàng chục lần mà vẫn chưa thấy sạch. Thậm chí, vừa rửa tay xong, Hoàng vẫn nói là bẩn và đòi đi rửa tay tiếp, mỗi lần tắm cháu mất tới 2 – 3 tiếng. Sức học của Hoàng cũng sa sút rõ rệt, cuối năm vừa rồi, cháu không còn được chọn vào đội tuyển của trường để đi thi tiếng Anh như mọi năm.


Nguyên nhân là do mẹ Hoàng kiên quyết không hợp tác với bác sĩ, vẫn giữa lịch học triền miên cho con vì khư khư quan điểm cho rằng đó là điều tốt nhất. Suốt gần 3 năm điều trị, chỉ có người cha đưa con đi khám, chứ người mẹ nhất định không đến viện cho dù bác sĩ yêu cầu đến để tư vấn.


“Gần đây, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều trẻ bị stress quá mức vì áp lực học tập do bố mẹ đặt ra. Thực sự đây là vấn đề rất đáng báo động vì hầu như ông bố, bà mẹ nào cũng có tâm lý con học được là tốt nên tùy từng hoàn cảnh, điều kiện mà họ cho con tham gia các lớp học thêm khác nhau. Vô hình, họ đã biến trẻ từ chủ động thành bị động, bắt trẻ học tập quá sức theo ý muốn của cha mẹ trong khi các cháu không đủ khả năng, mệt mỏi khi phải học như một rô bốt”, TS Dương Minh Tâm khuyến cáo.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Cảnh báo mùa thi: Áp lực học hành dễ phát bệnh loạn thần
Cảnh báo mùa thi: Áp lực học hành dễ phát bệnh loạn thần

Rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm hoặc loạn thần là những biểu hiện của áp lực học hành mà hiện nay nhiều trẻ em đang mắc phải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN