năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận gần 200 ca bệnh do vi rút Zika bùng phát rộng trên địa bàn. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
Sau thời gian thí điểm quản lý bệnh sốt xuất huyết bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS), trong năm 2017, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đẩy mạnh ứng dụng hệ thống này trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố.
Thông tin được bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cho biết tại Hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống dịch năm 2017 do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 16/1.
Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, phần mềm ứng dụng GIS trong hoạt động phòng, chống dịch được trình bày dữ liệu dưới dạng bản đồ số online, thể hiện được các ca bệnh, các mối liên hệ giữa các ca bệnh, sự phát triển và lây lan của ổ dịch, từ đó có biện pháp khống chế dịch.
Hàng ngày các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẽ chuyển thông tin ca bệnh gồm tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện về Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố. Trung tâm này sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường,xã và quận, huyện thông qua phần mềm GIS.
Từ đó, cơ quan quản lý biết được tình hình dịch bệnh tại các tổ, khu phố, phường, xã và quận, huyện để có kế hoạch xử lý phù hợp.
“Trong năm 2017, phần mềm GIS sẽ được sử dụng tại các trạm y tế phường, xã nhằm giúp việc quản lý ca bệnh, theo dõi diễn biến và dự báo dịch bệnh được chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Đồng thời giúp cơ quan quản lý khoanh vùng ổ dịch, xác định vị trí ca bệnh… để lên kế hoạch xử lý”, bác sỹ Lê Hồng Nga cho biết thêm.
Ngoài ra, phần mềm ứng dụng GIS còn giúp cơ quan quản lý phát hiện các ổ dịch liên phường, liên quận. Thông qua phần mềm GIS, hai quận có thể cùng biết ổ dịch đang xảy ra tại các vị trí giáp ranh để cùng phối hợp xử lý.
Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 khá ổn định. Các loại bệnh sốt xuất huyết, nhiễm trùng tiêu hóa, các bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh tay chân miệng… không có nhiều đột biến so với cùng kỳ 2015.
Tuy nhiên, năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận gần 200 ca bệnh do vi rút Zika bùng phát rộng trên địa bàn. Đến nay, bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng giảm nhưng người dân cần hết sức đề phòng, đặc biệt với phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai.
Năm 2017, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu không để dịch lớn xảy ra, khống chế số ca mắc sốt xuất huyết không quá 209 ca/100.000 dân, tay chân miệng không quá 120 ca/100.000 dân. Đồng thời ngành y tế Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực chủ động phòng chống dịch của toàn xã hội, vận động người dân chung tay với ngành y tế trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.