Hiện nay, người dân cả nước vẫn lúng túng trong việc sử dụng một ứng dụng quét mã QR trong phòng chống dịch COVID-19 khi quá nhiều ứng dụng khác nhau của các đơn vị.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo tuyên truyền nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP sáng 29/10, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển ứng dụng PC-Covid là ứng dụng thống nhất dùng chung trong khai báo phòng chống COVID-19.
Tuy nhiên, ông Đỗ Công Anh cũng thừa nhận, hiện nay vấn đề quét mã QR vẫn chưa có sự thống nhất, mặc dù ứng dụng PC-Covid đã đi vào triển khai sử dụng.
“Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Công an triển khai thống nhất vấn đề kỹ thuật, sử dụng một mã QR để từ 1/11 hai bên có thể quét được nhau, tạo thuận lợi cho người dân, ứng dụng PC-Covid sẽ chính thức thống nhất trên cả nước", ông Đỗ Công Anh nói.
Theo đó, PC-Covid sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do BHXH Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.
Vào chiều tối 28/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản thống nhất triển khai phát triển ứng dụng và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho hoạt động vận tải.
Cụ thể, nâng cấp tính năng “Khai báo di chuyển nội địa” của ứng dụng PC-Covid theo hướng phù hợp với yêu cầu, quy định vận chuyển hành khách nội địa của Bộ Giao thông Vận tải; phát triển thêm tính năng trích xuất thông tin cho các đơn vị được chỉ định của Bộ Giao thông Vận tải để phối hợp với các địa phương có phương án triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thống nhất biểu mẫu thông tin mà ứng dụng PC-Covid sẽ xuất và gửi dữ liệu định kỳ đến các đơn vị được chỉ định theo đề xuất của ngành giao thông vận tải và sẵn sàng cung cấp dữ liệu từ ngày 29/10/2021.
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định điều chỉnh hướng dẫn quy định với hành khách đi lại bằng máy bay. Theo đó, hành khách chỉ cần khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid (phần khai báo di chuyển nội địa), mà không phải kê khai bản cam kết phòng, chống dịch COVID-19 như trước ngày 25/10, cũng không phải cung cấp thông tin viết tay theo mẫu.
PC-Covid là ứng dụng phòng chống dịch được phát triển và đưa vào vận hành từ cuối tháng 9/2021, trên cơ sở tổng hợp tính năng của các ứng dụng phòng chống dịch trước đó như Bluezone, NCOVI, VHD... và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất với người dùng.
Sử dụng PC-Covid, mỗi người dân đều được cấp 1 mã QR cá nhân duy nhất. Khi đến cơ quan và các địa điểm công cộng như siêu thị, trường học, bệnh viện…, ngoài việc dùng PC-Covid để quét mã QR của địa điểm, người dân có thể xuất trình mã QR cá nhân của mình cho nhân viên lễ tân, người kiểm soát địa điểm quét ghi nhận lượt vào ra.
Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia, top 10 địa phương có tỷ lệ smartphone cài đặt ứng dụng PC-Covid cao nhất cả nước lần lượt là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hài Phòng và Thanh Hóa.
Tại Hà Nội, tính đến ngày 25/10, số smartphone có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone là 3.657.326/6.685.289, đạt tỷ lệ 55%. Số smartphone cài đặt mới ứng dụng PC-Covid trong ngày 25/10 là 6.036.
Năm đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội có tỷ lệ smartphone cài đặt PC-Covid cao nhất đến nay lần lượt là các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm.