Có thể cách ly tại nhà một cách tự nguyện
Tính đến trưa ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 20.459 ca ghi nhận trong nước và 1.882 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 18.889 ca.
Đến nay, Việt Nam đã công bố khỏi bệnh cho 8.077 ca; số ca tử vong là 102 ca; hiện còn 14.162 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến.
Đặc biệt trong 2 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 đã lên tới hơn 1.000 ca/ngày, báo động quá tải các bệnh viện nếu cứ tiếp tục kéo dài.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, với kịch bản số lượng bệnh nhân COVID-19 và số F1 lớn, cần nghiên cứu các giải pháp sống chung an toàn với dịch lâu dài, trong đó có việc cách ly các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ở ngoài bệnh viện, tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế.
Về việc cách ly F0 ngoài bệnh viện, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng: “Việc cho cách ly các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly ngoài bệnh viện là cần thiết, nhất là với số ca bệnh lớn như ở TP Hồ Chí Minh thời điểm này. Bởi cứ tình trạng này, nếu tất cả các trường hợp F0 dù không triệu chứng hay triệu chứng rất nhẹ mà đều vào bệnh viện thì sẽ gây gánh nặng rất lớn cho ngành y tế, thậm chí có nguy cơ sụp đổ hệ thống bệnh viện vì quá tải nghiêm trọng. Cách ly ngoài bệnh viện không chỉ là tại nhà riêng mà còn là cơ sở khác như khách sạn, miễn có đủ điều kiện riêng biệt để đảm bảo cách ly an toàn. Muốn vậy, cần phải có tập huấn đầy đủ với những người phục tại các cơ sở này trước khi tiếp nhận cách ly các F0. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.
Theo đó, thống kê gần đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, có hơn 90% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không cần chăm sóc y tế. Nếu số F0 này đưa hết vào bệnh viện thì riêng việc bố trí giường bệnh, chăm sóc đã là gánh nặng rất lớn. Các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải làm hồ sơ, bệnh án, chăm sóc, điều trị dinh dưỡng cho những người này như 1 người bệnh mặc dù chưa cần thiết. Việc này cũng dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải vì người nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện không còn nguồn lực để chăm sóc các bệnh nhân khác đang cần hơn. Các bệnh nhân khác sẽ rất thiệt thòi, không có cơ hội tiếp cận với điều trị. Đơn cử như: Bệnh nhân lao phổi, không được phát hiện, ung thư phát hiện muộn, và nhiều bệnh lý khác không có cơ hội điều trị sẽ làm gia tăng số người tử vong do không được tiếp cận dịch vụ y tế.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng phân tích: “Cần phải phân biệt rõ khái niệm những người có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng với bệnh nhân COVID-19. Những người có kết quả dương tính chỉ là tiềm năng có thể trở thành người bệnh chứ chưa phải là bệnh nhân COVID-19”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất cho F0 cách ly tại nhà là hợp lý, nếu đủ điều kiện. Các trường hợp F0 này có thể tự theo dõi sức khoẻ, thậm chí được chữa bệnh tại nhà trong trường hợp họ bị mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng, có biến chứng. Tuy nhiên, điều kiện để cách ly phải đảm bảo tuyệt đối nghiêm ngặt, không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Đây là biện pháp có lợi, có thể tiết kiệm công sức, tiền của cho cả ngành y tế và nhà nước. Đây cũng là cách nhân dân cùng chia sẻ gánh nặng với nhà nước; vì để tổ chức cách ly sẽ kéo theo rất nhiều điều kiện như: Người tổ chức, người canh gác… rất tốn kém”.
Theo đó, việc cho F0 cách ly tại nhà có thể thực hiện theo hình thức tự nguyện, họ có thể chọn đến bệnh viện hoặc xin cách ly điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Chuyên gia cũng cho rằng, giống như các F1, nếu được cách ly ở nhà với điều kiện có phòng riêng, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, có thể người dân sẽ chấp hành tốt hơn. Vừa qua một số trường hợp trốn khỏi khu cách ly, hay bệnh viện vì nhiều lý do, trong đó có điều kiện sinh hoạt không bằng ở nhà, bị gò bó… Nếu được cách ly ở nhà, với những người không có triệu chứng, sức khoẻ tốt, họ thậm chí vẫn có thể làm việc bình thường trong điều kiện cách ly như: Làm việc qua điện thoại, máy tính, online… không những không lãng phí tiền của, mà họ vẫn có thể làm ra của cải, vật chất cho xã hội.
“Đặc biệt, có những trường hợp F0 tuy sức khoẻ vẫn ổn định, không có triệu chứng, biến chứng, nhưng cả tháng vẫn chưa có kết quả âm tính, việc cứ cách ly tập trung kéo dài sẽ rất lãng phí, ảnh hưởng đến cả cuộc sống của bệnh nhân và tốn kém cho nhà nước. Vấn đề là cần thực hiện theo hình thức người dân tự nguyện chia sẻ khó khăn với nhà nước, chứ không bắt ép; nhà nước đỡ gánh nặng và người dân với tâm lý tự nguyện cũng thoải mái hơn, không bị gò bó”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Cần các điều kiện nghiêm ngặt đi kèm
Tuy nhiên để có thể thực hiện cách ly các F0 ngoài bệnh viện, cần những điều kiện hết sức nghiêm ngặt, phải giám sát chặt chẽ. Các quy định với F0 cách ly tại nhà cũng giống như quy định đối với F1 và có thêm điều kiện như: Họ được theo dõi sức khoẻ liên tục; có đường dây nóng để theo dõi, kết nối với bác sĩ thường xuyên.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cần phải có những cam kết, chế tài nhất định nếu những người cách ly tại nhà vi phạm quy định cách ly. Các địa phương, Bộ Y tế phải có những điều kiện cụ thể; trường hợp F0 không có đủ điều kiện cách ly ngoài bệnh viện, thì phải cho vào cách ly điều trị tập trung.
“Cần phải xác định việc quản lý, cách ly F0 phải hướng tới 2 đích cụ thể là: Thứ nhất, người nhiễm virus được theo dõi và tự theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của mình để biết nâng cao sức khỏe vào lúc đặc biệt này và nhận biết lúc nào thì cần được chăm sóc y tế và tiếp cận kịp thời nhất khi cần vào viện. Họ phải được hướng dẫn cách xử trí khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bởi vì trong tổng số các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, chỉ có tỷ lệ nhỏ cần chăm sóc y tế; tuy nhiên điều này có thể rơi vào bất kỳ ai, sẽ nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời, cần tránh chủ quan cho rằng tỷ lệ bị nặng rất ít. Đích thứ 2 phải đạt được là quản lý người nhiễm virus để cắt đứt được quá trình lây lan, không để lây sang người khác, mầm bệnh ra cộng đồng. Với những người có kiến thức về COVID-19, họ hoàn toàn có thể tuân thủ được các hướng dẫn; thực hành đầy đủ các quy định về cách ly phòng dịch”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất.
Bên cạnh đó, nơi cách ly cho các trường hợp F0 phải đảm bảo đủ điều kiện về: Phòng cách ly, khu vệ sinh riêng biệt đầy đủ, không gian nơi cách ly không liên thông với bất kỳ khu vực sinh hoạt chung nào; người phục vụ riêng cho F0 cần có phân công rõ ràng để chủ động phòng tránh lây nhiễm. Thậm chí, với gia đình có người cách ly tại nhà cũng phải cách ly với các gia đình xung quanh, chứ không chỉ cách ly mình phòng của F0. Cũng cần quy định ai sẽ giám sát việc cách ly này vì trong gia đình có người cách ly sẽ có cả các trường hợp F1, F2; cần phải thực hành như thế nào, phải có hướng dẫn đối với từng trường hợp để có thể thực hiện được.
Về việc hướng dẫn theo dõi, nâng cao sức khoẻ cho những trường hợp này cần phải rất cụ thể như: Có quy trình xét nghiệm, ai lấy mẫu, người cách ly có tự lấy mẫu xét nghiệm được không… Khi người dân tự cách ly, cần hướng dẫn người dân cách nhận biết khi xuất hiện tình trạng nặng lên qua các dấu hiệu lâm sàng như: Ho, sốt, khó thở, tức ngực… bên cạnh đó còn có cách phát hiện rất nhạy đó là đo độ bão hoà oxy ở đầu ngón tay. Hiện thiết bị đo này khá phổ biến, giá rẻ chỉ vài trăm nghìn/máy, rất dễ theo dõi, người dân có thể tự thực hiện được.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý: Khi cách ly tại nhà, để đảm bảo tránh lây nhiễm, nơi cách ly F0 có thể dùng điều hoà nhưng phải là hệ thống điều hoà riêng, không để không khí trong phòng người bệnh tràn ra ngoài chỗ sinh hoạt của gia đình, chung cư, có thể dùng quạt để thổi không khí trong phòng ra phía ngoài cửa sổ ngoài trời. Đặc biệt người cách ly không được dùng điều hoà nếu là hệ thống điều hoà trung tâm để tránh phát tán mầm bệnh.
Đặc biệt, khi thực hiện cách ly F0 bên ngoài bệnh viện, y tế địa phương phải có các biện pháp dự phòng các tình huống như: Khi bệnh nhân trở nặng đột xuất, khó thở, chuyển sang viêm phổi… có thể gọi ngay cấp cứu đưa tới cơ sở y tế; điều kiện đưa đi cấp cứu cũng phải đảm bảo; phải có tư vấn của bác sĩ, sẵn sàng quy trình đưa bệnh nhân như thế nào để đảm bảo an toàn. Tuy số ca mắc bị trở nặng là ít, nhưng có thể vào bất kỳ ai nên các tình huống xử trí phải luôn luôn sẵn sàng.