Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch do tổn thương và suy nhiều cơ quan, trong đó nặng nhất là tổn thương não lan tỏa tại tất cả các vị trí.
“Trường hợp của bệnh nhân gần giống như ca đột quỵ não nhưng nặng hơn rất nhiều. DDột quỵ não chỉ gây tổ thương nhỏ ở một số vị trí. Trường hợp này là tổn thương gần như toàn bộ não. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương và suy tim nặng, suy thận, tổn thương gan. Tiên lượng điều trị và hồi phục của bệnh nhân là vô cùng dè dặt”, Giám đốc Trung tâm Chống độc thông tin.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân chưa hút thuốc bao giờ. Ngày 25/7, bệnh nhân có đi chơi với bạn và hút thuốc lá điện tử. Sau khi hút, từ khoảng 18 giờ đến 22 giờ ngày 25/7, bệnh nhân bất tỉnh. Bạn bè đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến cơ sở. Do bệnh nhân hôn mê sâu, tụt huyết áp, 1 giờ ngày 27/7, bệnh nhân được bệnh viện đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Gia đình đã mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đến để các bác sĩ của Trung tâm Chống độc xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy, chất cần sa tổng hợp ADB- BUTINACA trong lọ dung dịch. Vì vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới, là chất độc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Hàng tuần, Trung tâm Chống độc đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận,… Hiện ngoài bệnh nhân này, Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân khác nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử.
Từ thực tế điều trị tại Trung tâm Chống độc, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi lẽ trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi. Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi…
Ví dụ, nhiều loại thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Loại vitamin này khi đốt cháy có thể gây tổn thương phổi nặng nề.
Tại Mỹ đã có báo cáo về nhiều trường hợp nhập viện và tử vong vì thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Tuy nhiên, đây chỉ là một chất, thực tế trong thuốc lá điện tử còn có rất nhiều loại hợp chất khác nhau.
Theo thông tin từ Viện Pháp y Quốc gia, đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Điều này cho thấy có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi.
Các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng sinh ra các chất khác rất phức tạp với các tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau sẽ thay đổi rất phức tạp.
Hiện nay, tuy chưa được cho phép nhưng các loại thuốc lá này đã len lỏi vào thị trường qua rất nhiều kênh. Với các hình thức bắt mắt, hương vị thu hút hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là chứa các chất gây nghiện, nếu loại thuốc lá điện tử được phổ cập rộng sẽ cực kỳ nguy hiểm, không chỉ với người trưởng thành và cả với các em học sinh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên để xuất các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam.