Chuyên gia chống độc khuyến cáo về loại thuốc diệt chuột thế hệ mới

Chiều 12/10, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cơ sở này đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới và đều ở trong tình trạng nặng, với bệnh cảnh hoàn toàn khác so với việc ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Phan Thị Lan Hương khám cho bệnh nhân 59 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Ảnh: T.G/Vietnam+

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam (59 tuổi, thường trú ở Hưng Yên). Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã uống 6 gói thuốc diệt chuột dạng bột do nhầm là ngũ cốc. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K và được chuyển đến Trung tâm chống độc ở ngày thứ 3 sau khi đợt điều trị ở tuyến dưới. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc. 

Trường hợp thứ hai cũng là bệnh nhân nam (39 tuổi, thường trú ở Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử rối loạn tâm thần, được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Theo lời kể của người nhà, trước đó bệnh nhân đã uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm (giống viên kẹo màu xanh nước biển). Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực và sử dụng thuốc giải độc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, những năm gần đây, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10-20 năm (gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim) đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại. Còn các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K đang làm nhiều người bị ngộ độc phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Những chất gây độc này diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu các dấu hiện bên ngoài vẫn hiện bình thường nhưng sau đó là sự chảy máu ở răng, mũi, da, hệ tiêu hóa... Có những người chỉ chảy máu nặng sau khi gặp chấn thương, va chạm, sau các thủ thuật tác động qua da khi đi khám chữa bệnh (tiêm, chọc, tán sỏi,…). Vì nhiều lý do mà bệnh nhân không khai thật là đã uống thuốc diệt chuột nên bác sĩ dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác.

Có những trường hợp sử dụng thuốc diệt chuột không an toàn, để thuốc diệt chuột gần chỗ cất thức ăn, nước uống. Thuốc chuột cũng có thể ngấm qua da...

Các thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc: Có dạng viên giống viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng; có dạng dung dịch giống siro hay dạng bột… Người dân có thể dễ dàng mua các loại thuốc diệt chuột này ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hay các xe bán hàng rong hoặc ở các quầy bán các đồ gia dụng, thú y, vật dụng làm vườn…

Theo các bác sĩ, các hóa chất diệt chuột thuộc nhóm kháng vitamin K (gây chảy máu) có rất nhiều, cổ điển là warfarin (tác dụng ngắn, thường chỉ vài tuần là hết tác dụng), nay có nhiều hóa chất mới được gọi là superwarfarin (như bromadiolone, flocoumafen, brodifacoum, diphacinone…). Các hóa chất này thường được gọi dưới cái tên rất “nhẹ nhàng” là thuốc diệt chuột sinh học. Thực tế, tất cả vẫn là các hóa chất thế hệ mới có độc tính còn cao hơn rất nhiều, thậm chí rất cao. Khi các chất này đi vào cơ thể thì việc chuyển hóa và thải trừ rất chậm, trong 72 giờ đầu có thể chưa có biểu hiện, chỉ được phát hiện nhờ nghiệm đông máu hàng ngày mới biết, tác dụng cũng rất lâu dài, độc tính kéo dài thường nhiều tháng, có thể tới hàng năm. Thường các bệnh nhân sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc ổn định thì cũng cần tái khám nhiều lần, có khi kéo dài cả năm.

Các bệnh nhân thường chủ quan hoặc bận rộn với cuộc sống nên thường hết thuốc thì không đi khám tiếp để lấy đơn thuốc trong khi chất độc vẫn còn trong người, kết quả là lại bị chảy máu và vào viện cấp cứu tiếp.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân cần rất thận trọng với các loại hóa chất diệt chuột và hậu quả ngộ độc hiện nay. Khi phát hiện có người uống hóa chất diệt chuột thì cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, nhất là trong 6 giờ đầu.

Sau khi bệnh nhân uống hóa chất diệt chuột mà chưa có biểu hiện bên ngoài thì cũng không được chủ quan, vẫn cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện ít nhất 72 giờ, bác sĩ sẽ xét nghiệm lại và quyết định cho ra viện hay điều trị tiếp.

Bệnh nhân khi đã được xác định bị ngộ độc thì không được tự bỏ thuốc mà phải tuân thủ đúng theo đơn và khám lại theo hướng dẫn. Bác sĩ là người điều chỉnh và quyết định khi nào việc chữa ngộ độc hoàn tất (thường mất nhiều tháng).

Các cơ sở y tế cần cảnh giác với các bệnh nhân rối loạn đông máu, chảy máu, đặc biệt khi các nguyên nhân không rõ ràng.

Người dân cần hạn chế diệt chuột bằng bả hay bằng thuốc diệt chuột. Chỉ mua hóa chất diệt chuột ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký, sản phẩm có đăng ký lưu hành ở trong nước và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua sản phẩm thì phải chú ý tới thông tin đầy đủ, rõ ràng về các hóa chất.

Sử dụng hóa chất diệt chuột (làm bả, đặt bả chuột) phải ở khoảng cách xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em. Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc trí nhớ, nhận thức sút kém thì không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở. Đặc biệt, không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.

Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt các sản phẩm hóa chất diệt chuột, quản lý việc bán (cấm người bán rong bán các hóa chất diệt chuột hay các hóa chất độc hại, chỉ các cơ sở hoặc quầy có đăng ký mới được kinh doanh các hóa chất diệt chuột hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật nói chung) và quản lý việc mua hóa chất diệt chuột, cần lưu lại danh tính và nhận dạng của người mua...

TTXVN/Báo Tin tức
Cứu sống thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ
Cứu sống thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ

Chiều 29/9, bác sĩ Đinh Thị Bích Loan, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi An Giang cho biết: Các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ sau 4 ngày điều trị tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN