Chuyển đổi số giúp người bệnh không phải loay hoay ‘dịch’ chữ bác sĩ

Việt Nam hiện đã có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Hội nghị chuyển đổi số y tế Quốc gia năm 2020 diễn ra ngày 29/12. 

Chia sẻ tại Hội nghị chuyển đổi số y tế Quốc gia năm 2020, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: “Thực hiện chuyển đổi số, ngành y tế đã có 100% các bệnh viện triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, 99,5% bệnh viện có kết nối thanh toán, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, đến nay đã có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Kỳ vọng trong năm 2021, số lượng các bệnh viện thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử sẽ lên tới con số hàng trăm bệnh viện”.

Bộ Y tế đã thông qua việc thực hiện bệnh án điện tử tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy của tỉnh Quảng Ninh. 

Nhờ những ứng dụng bệnh án điện tử, từ chỗ mỗi năm các bệnh viện phải quản lý hàng chục ngàn bệnh án giấy, ghi chép tay cho từng người bệnh kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan, khó khăn khi tìm kiếm lại các hồ sơ bệnh án cho người bệnh khi cần thiết… thì hiện nay, với việc chuyển hoàn toàn sang bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ mất thời gian ngắn để truy cập bệnh án người bệnh, từ đó có đầy đủ thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời; dành nhiều thời gian để thăm khám, tư vấn kỹ cho người bệnh. 

Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ vì tất cả đã được số hoá, thông tin rõ ràng, minh bạch

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở nước ta đang có nhiều thuận lợi để thực hiện như đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành hành lang pháp lý để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế nói riêng. Bộ Y tế cũng quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT trong ngành, từng bước chuyển đổi y tế số, xây dựng, phát triển y tế thông minh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở nước ta đã phát triển đủ năng lực để ứng dụng và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử với các công nghệ tiên tiến nhất. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, vẫn còn nhiều Giám đốc bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, còn ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý cấp trên. Trong khi đó, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ làm thay đổi thói quen, nền nếp làm việc từ ghi chép bằng tay trên giấy sang sử dụng máy tính đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng tham gia tích cực của tất cả nhân viên bệnh viện. Điều này rất cần sự chủ động của các bệnh viện, sự hưởng ứng của cán bộ y tế.

 

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Ngành y tế chuyển đổi số, quan trọng nhất là thay đổi tác phong làm việc
Ngành y tế chuyển đổi số, quan trọng nhất là thay đổi tác phong làm việc

Khó khăn nhất hiện nay với ngành y tế vẫn là sự thay đổi tác phong làm việc để phù hợp với chuyển đổi số khi nhiều nhân viên y tế vẫn đang quen làm việc theo phương pháp truyền thống bằng giấy tờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN