Chống dịch COVID-19 không quên dịch sốt xuất huyết

Thời tiết đang thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng tại Hà Nội. Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng rất cấp thiết.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân phòng sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Số ca mắc có chiều hướng tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến ngày 26/9, Hà Nội ghi nhận 1.031 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong; riêng trong tuần qua Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca mắc mới, tăng cao hơn so với tuần trước đó (110 ca). Các bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 27/30 quận, huyện (trừ Gia Lâm, Sơn Tây, Ứng Hoà); có 204/579 xã, phường, thị trấn có ca bệnh. Số quận, huyện có ca mắc nhiều là: Đống Đa (220 ca), Hoài Đức (119 ca), Hai Bà Trưng (99 ca), Hoàng Mai (65 ca), Thanh Xuân (60 ca), Nam Từ Liêm (48 ca). So với cùng kỳ năm 2020 (có 2.594 ca mắc, 2 tử vong), số ca mắc giảm 60%, số tử vong giảm 2 ca. Tuy luỹ tích số mắc trên địa bàn Hà Nội giảm so với năm ngoái nhưng những tuần gần đây, số ca mắc có chiều hướng tăng lên do dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm trong năm. Từ cuối tháng 8 tới nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khám từ 15-20 ca sốt xuất huyết mới/ngày. Từ ngày 10/9 đến sáng 28/9, đã có hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện. Trong đó, mỗi ngày có 5- 6 bệnh nhân diễn tiến từ vừa tới nặng, phải nhập viện điều trị.

Theo các bác sĩ, các bệnh nhân đa số tới khám do có triệu chứng sốt cao, đau đầu và đau mỏi người. Nhiều người sau khi sàng lọc COVID-19, tiếp tục được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, phát hiện mắc sốt xuất huyết.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 114 ổ dịch quy mô thôn xóm, tổ dân phố tại 17 quận huyện, 50 xã, phường. Một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân tại các xã, phường như Phú Minh, Bưởi, Đức Giang, Song Phương, Hương Ngải…

Theo ông Khổng Minh Tuấn, sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Do đó, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết. Nếu để bùng phát sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm.

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, kết quả 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, Hà Nội có giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, hiện thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp nếu không chủ động phòng chống. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định.

Cảnh giác bệnh diễn biến nặng

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, do virus Dengue gây nên. Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần; biểu hiện đầu tiên của bệnh gồm: Sốt cao, đau mỏi người, đau đầu… Từ khoảng ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân có thể có dấu hiệu nặng như: Xuất huyết, hạ tiểu cầu… nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Theo đó, biểu hiện trong những ngày đầu của sốt xuất huyết Dengue thường giống với sốt virus thông thường nên nhiều người dễ chủ quan, thậm chí chỉ uống thuốc hạ sốt tại nhà. Điều này khá nguy hiểm vì sốt xuất huyết có thể diễn tiến rất nhanh; nhất là trong khoảng từ ngày thứ 4, thứ 5. Một số đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết như: Trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Với trẻ em khi mắc sốt xuất huyết dễ bị mất nước, tụt huyết áp. Phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể có nguy cơ sảy thai, hoặc thai lưu. Đặc biệt, người cao tuổi có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan tình trạng bệnh dễ biến chuyển nặng hơn.

Bác sĩ cũng cảnh báo, trong mùa dịch sốt xuất huyết, người dân khi có biểu hiện sốt cao nên đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm sàng lọc sớm, để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu bị sốt xuất huyết.

Để phòng dịch sốt xuất huyết lây lan rộng trong cộng đồng, ông Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo: “Các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết rất dễ thực hiện, người dân cần làm tốt khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết”. Người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch như: Thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng để tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra lăng quăng tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi…”.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Trên 49.100 ca mắc, 18 ca tử vong do sốt xuất huyết trên toàn quốc
Trên 49.100 ca mắc, 18 ca tử vong do sốt xuất huyết trên toàn quốc

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN