Sốt xuất huyết là một bệnh do muỗi Aedes bị nhiễm virus Dengue truyền qua vết đốt. Một số triệu chứng của bệnh này có thể giống với bệnh cúm hoặc một số bệnh nhiễm virus khác như virus SARS-CoV-2. Tất cả độ tuổi đều có khả năng mắc COVID 19, tuy nhiên, những người đang mắc đồng thời các bệnh lý nền khác như tiểu đường hay tim mạch thì có nguy cơ bị nặng cao hơn.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết hoặc COVID-19 nên được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biểu hiện sớm. Ngoài ra, việc thực hiện các xét nghiệm thích hợp nhằm chẩn đoán sớm sốt xuất huyết hay COVID-19 là rất cần thiết.
Các triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết bao gồm nôn dai dẳng, chảy máu niêm mạc, khó thở, hôn mê/bồn chồn, hạ huyết áp tư thế, gan to và hematocrit tăng dần.
Trong khi đó, các dấu hiệu sớm của COVID-19 bao gồm khó thở, đau dai dẳng, có áp lực trong lồng ngực, lú lẫn, không tỉnh táo, môi hoặc mặt hơi xanh. Tuy nhiên đây không phải là tất cả các triệu chứng có thể xảy ra.
Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 có thể xuất hiện trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Với tình trạng đại dịch đang diễn ra trên diện rộng, các triệu chứng của sốt xuất huyết cần được lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19. Nhiều người cho rằng mình bị nhiễm COVID-19 sau khi nhận thấy các triệu chứng như sốt cao và đau đầu.
Tại Ấn Độ, đã có báo cáo chẩn đoán sai đến từ các bệnh viện cấp ba của thành phố Hyderabad liên quan đến việc nhầm rằng sốt liên tục là do COVID-19 thay vì sốt xuất huyết. Do đó, hiểu biết về hai căn bệnh này và sự khác nhau giữa chúng là điều rất quan trọng.
Theo các chuyên gia y tế, sốt, nôn mửa, đau đầu, đau nhức cơ thể và cực kỳ suy nhược là một số triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 và sốt xuất huyết. Do đó, ban đầu có thể khó xác định xem người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 hay bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị các biến chứng nặng như tổn thương thận, chảy máu trong hoặc số lượng tiểu cầu thấp nếu bệnh sốt xuất huyết không được điều trị.
Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu người bệnh gặp các triệu chứng như khó thở, đau ngực hoặc ngạt mũi, bị mất khứu giác và vị giác, nhiều khả năng họ đã bị mắc COVID-19 chứ không phải sốt xuất huyết. Vì COVID-19 là một bệnh đường hô hấp, nên căn bệnh này có thể gây ra các triệu chứng như viêm và kích ứng cổ họng, thay đổi giọng nói và ho - những triệu chứng không phổ biến trong bệnh sốt xuất huyết.
Cả hai bệnh có thời gian ủ bệnh khác nhau. Thời gian ủ bệnh để các triệu chứng sốt xuất huyết xuất hiện là 4-10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt, trong khi thời gian ủ bệnh của COVID-19 là 1-14 ngày. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể bị phát ban trên da và chảy máu nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu răng hoặc dễ bị bầm tím).
Một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân COVID-19 đã từng mắc sốt xuất huyết có nguy cơ gặp các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Điều này đã làm dấy lên nỗi lo ngại các quốc gia ở châu Á, nơi mà các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết rất phổ biến, có thể phải đối mặt với “gánh nặng kép” vào thời điểm hệ thống y tế đang bị quá tải do đại dịch COVID-19.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Brazil đã phân tích mẫu máu của 1.285 người sinh sống tại thị trấn nhỏ Mâncio Lima ở vùng Amazon (Brazil) từ năm 2018 đến năm 2020. Kết quả được đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (Bệnh truyền nhiễm lâm sàng) của Đại học Oxford, cho thấy bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó đã từng mắc sốt xuất huyết có nguy cơ biểu hiện các triệu chứng COVID-19 cao gấp đôi. Bên cạnh đó, những bệnh nhân COVID-19 đã mắc sốt xuất huyết cũng có các biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh phổ biến tại các quốc gia nhiệt đới và lây lan do muỗi sinh sản ở các vũng nước đọng. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý chất thải và thoát nước kém, đã làm cho tốc độ lây lan của bệnh trở nên tồi tệ hơn. Ước tính có đến 390 triệu ca nhiễm virus sốt xuất huyết hằng năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 129 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết, trong đó Đông Nam Á chiếm hơn 50% số ca toàn cầu, đặc biệt là Malaysia và Philippines. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 4,6 triệu người tính tới thời điểm này.