Giới chuyên gia đưa ra kết luận này trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature số ra ngày 15/9, đồng thời khuyến cáo cần theo dõi sức khỏe của những người từng nhiễm virus Ebola nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát nghiêm trọng dịch bệnh này.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng virus Ebola “thể ngủ” (không hoạt động) có thể vẫn tồn tại trong cơ thể những người đã khỏi bệnh. Virus “ẩn nấp” ở các mô thay vì hoạt động trong máu nên kết quả xét nghiệm có thể âm tính
Phân tích một đợt bùng phát dịch bệnh ở Guinea trong năm nay, các chuyên gia nhận thấy những “ổ chứa virus” này có thể bị “đánh thức”, lây lan và bùng phát thành dịch nhiều năm sau đó. Để truy vết nguồn gốc gây ra đợt bùng phát dịch ở Guinea với 16 ca nhiễm, trong đó 12 ca tử vong, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gene của một số mẫu bệnh phẩm. Theo nhà nghiên cứu Alpha Keita thuộc Đại học Montpellier (Pháp), kết quả cho thấy nguồn gốc lây nhiễm là do virus “thể ngủ” ở những người đã khỏi bệnh hoạt động trở lại và lây lan. Ông cho rằng đây là một hình thức lây nhiễm mới, bệnh nhân đã khỏi bệnh của đợt dịch bệnh trước có thể là nguồn gốc gây ra một đợt dịch bệnh mới.
Có điều các nhà khoa học lại chưa thể tìm hiểu nguyên nhân vì sao và làm thế nào mà virus Ebola “thể ngủ” đột ngột hoạt động trở lại và phát bệnh ở vật chủ. Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định phát hiện trên có ý nghĩa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và việc chăm sóc những người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus Ebola. Do đó, cần ưu tiên tiêm chủng ngừa Ebola cho nhân viên y tế và theo dõi những người đã khỏi bệnh để sớm phát hiện những dấu hiệu tái phát. Giám đốc Mạng lưới Y tế toàn cầu thuộc Đại học Oxford, Trudie Lang, cũng lưu ý rằng việc theo dõi những người từng nhiễm virus Ebola cần được thực hiện thận trọng nhằm tránh gây tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội.