Chăm sóc tâm lý cho trẻ vị thành niên còn nhiều 'khoảng trống'

Khi trẻ gặp các vấn đề sức khỏe thể chất cha mẹ thường “sốt sắng” đưa đi khám hơn là khi trẻ có vấn đề về tâm lý.

Chú thích ảnh
Bác sĩ tư vấn sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên. 

Khi “giọt nước tràn ly”

Được cấp cứu kịp thời khi đang thực hiện ý định tự tử, đứa trẻ 14 tuổi buồn bã chia sẻ với bác sĩ rằng mình muốn chết vì cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình, bố mẹ không thật sự hiểu, không thật sự chia sẻ và dành thời gian cho mình. 

Cũng có trẻ quá bức xúc vì bị mẹ mắng đã tự uống thuốc Paracetamol để tự tử. Có bạn sử dụng điện thoại bị mẹ tịch thu; nên cảm thấy bị ức chế, quyết định tìm đến cái chết…

Trong 2 tuần gần đây, tại khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp trẻ từng tự tử và được phát hiện kịp thời. 

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Khi tiếp cận và lắng nghe sự chia sẻ của các trường hợp trẻ có rối loạn tâm lý, nhất là những trẻ có ý định tự tử; qua phân tích các trường hợp, chúng tôi nhận thấy hầu hết lý do xảy ra các sự việc chỉ là phần thêm vào như “giọt nước tràn ly”. Thường các em đã gặp phải sự ức chế, khủng hoảng tâm lý trong cả một giai đoạn trước đó mà cha mẹ không hay biết. Hay các em phải sống trong môi trường vốn hoàn cảnh đã không ổn, thiếu sự hỗ trợ phù hợp từ gia đình…”.

Theo TS Đỗ Minh Loan, trẻ ở độ tuổi vị thành niên đến khám về tâm lý gặp khá nhiều vấn đề. Cụ thể, các vấn đề liên quan đến cảm xúc như: Trầm cảm, lo âu, tự tử, tự gây tổn thương cho bản thân…; các vấn đề liên quan đến hành vi như: Chống đối, bỏ nhà ra đi, trộm cắp… kèm theo đó là các rối loạn tâm lý liên quan đến các sang chấn, stress trong cuộc sống như: Mâu thuẫn bạn bè, áp lực học tập, bất đồng quan điểm với bố mẹ trong gia đình, do bị bắt nạt, bạo hành trong trường học, hoặc bởi chính người thân trong gia đình bạo hành về thể chất, tinh thần… gây ra những rối loạn tâm lý.

Thực tế tại cộng đồng, qua điều tra, khảo sát trên 1.111 học sinh THCS tại Hà Nội năm 2020-2021 của khoa Sức khỏe vị thành niên cho thấy, tỷ lệ trẻ bị trầm cảm trong số này chiếm tới 26,1%, trẻ có stress khoảng 33% và trẻ có rối loạn lo âu chiếm khoảng 38%. 

“Tuy đây là đánh giá trên phạm vi hẹp nhưng con số trên cho thấy chúng ta rất cần quan tâm đến trẻ, cộng đồng, những người làm cha mẹ hãy chú ý, lưu tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm thần cho trẻ hơn nữa. Nhất là giai đoạn trẻ ở độ tuổi vị thành viên. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn trẻ em và người trưởng thành; trẻ đang hình nhân cách, có rất nhiều thay đổi về cả thể chất, tâm sinh lý… Trong giai đoạn phát triển này, có những trường hợp “chuyển tiếp” suôn sẻ nhưng cũng có những trường hợp gặp nhiều vấn đề đáng lo ngại về tâm lý, sức khỏe sinh sản hoặc dậy thì”, TS. Đỗ Minh Loan khuyến cáo.

Chú thích ảnh
Cha mẹ cần quan tâm đến tâm lý của trẻ, có sự tư vấn can thiệp nếu cần thiết. 

Cần lấp những “khoảng trống”

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, thực tế vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ hiện vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Đơn cử như việc, cha mẹ thường chỉ “sốt sắng” khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất như: Sốt, ho hay biểu hiện bệnh nào đó; nhưng khi con có các bất ổn về tâm lý như: Trẻ buồn bã, trầm cảm, thậm chí tuyệt vọng… việc đưa con đi khám sàng lọc, tìm phương pháp điều trị can thiệp thường chậm trễ hơn. Có những trường hợp trẻ đã có các biểu hiện bất ổn tâm lý một vài năm nhưng chỉ mới được đưa đến khám khi các biểu hiện của trẻ đã rất nặng; nhiều trường hợp khi trẻ đã có hành vi tự sát mới được đưa đến cơ sở y tế...

Cũng theo TS. Đỗ Minh Loan, bên cạnh “khoảng trống” từ gia đình, hiện tình trạng cán bộ y tế nói chung và cán bộ được đào tạo về chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ nói riêng cũng còn rất thiếu về số lượng, làm hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ, nhất là trẻ vị thành niên. 

Hiện ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tại nhiều địa phương, thậm chí các bệnh viện cấp tỉnh vẫn chưa có bộ phận điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm lý chuyên nghiệp. Điều này cộng với những khó khăn cả về nhận thức và điều kiện của người dân, dẫn tới việc theo dõi các vấn đề sức khỏe tâm lý của trẻ, nhất là trẻ vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục vấn đề này, theo TS. Đỗ Minh Loan, rất cần sự phối hợp của rất nhiều ban ngành khác nhau như: Y tế, giáo dục, truyền thông hoặc thậm chí các chính sách từ Nhà nước, chính quyền để có thể cải thiện sức khỏe tâm thần cho lứa tuổi học sinh. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định về Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025, đây là những tín hiệu rất phấn khởi cho thấy sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ đến các Bộ, ngành để cải thiện sức khỏe học đường, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Về phía gia đình, bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần theo dõi tâm lý của trẻ, nhất là trẻ trong giai đoạn vị thành niên. Cách cha mẹ chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ con cần phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ không nên áp dụng việc nuôi dạy ở độ tuổi vị thành niên như khi trẻ còn bé; bởi mỗi lứa tuổi có những thay đổi, biến động khác nhau. Đặc biệt với lứa tuổi vị thành niên có những nguyên tắc khi hỗ trợ, giúp đỡ trẻ như: Phải có sự tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe, thảo luận với trẻ các vấn đề có liên quan đến trẻ.

“Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần biết và nhận diện sớm những dấu hiệu bất ổn tâm lý của trẻ để có thể hỗ trợ, can thiệp sớm và kịp thời. Nếu để quá muộn, thời gian can thiệp, hỗ trợ trẻ có thể sẽ kéo dài hơn, thậm chí hiệu quả sẽ kém; các vấn đề rối loạn tâm lý có thể tái phát nhiều lần, mỗi lần tái phát, việc can thiệp điều trị sẽ rất vất vả”, TS. Đỗ Minh Loan khuyến cáo.

Clip TS.BS Đỗ Minh Loan chia sẻ về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên:

 

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Dịch bệnh COVID-19 gây rối loạn tâm lý học đường
Dịch bệnh COVID-19 gây rối loạn tâm lý học đường

Việc học sinh hạn chế tiếp xúc, giao tiếp và hạn chế ra đường trong thời gian dài đã khiến nhiều học sinh và giáo viên rơi vào tình trạng trầm cảm, khủng hoảng tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN