Cần Thơ kiểm soát tốt 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con

Hoạt động phòng ngừa lây truyền 3 nhóm bệnh: HIV, viêm gan B và giang mai hiện đang được thành phố Cần Thơ thực hiện hiệu quả.

Chú thích ảnh
Người dân đến CDC Cần Thơ tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa: Ánh Tuyết/TTXVN

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, từ 1/1 - 30/9/2024, toàn thành phố có 11.926/12.364 phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV, giang mai và viêm gan B. Qua đó phát hiện 14 thai phụ nhiễm HIV (trong đó chỉ phát hiện 1 ca nhiễm mới, còn 13 ca đang điều trị liệu trình ARV), 3 thai phụ mắc giang mai và 98 thai phụ mắc viêm gan B. Tất cả các trường hợp này qua xét nghiệm trẻ sau sinh, không có trẻ nào bị nhiễm bệnh từ mẹ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Phó trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ) cho biết, kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống y tế các cấp; đặc biệt là hiệu quả từ công tác phối hợp tăng cường truyền thông đến cộng đồng nói chung, các đối tượng đích nói riêng.

Phụ nữ mang thai khi đến khám tại các trạm y tế sẽ được tư vấn xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh HIV, viêm gan B và giang mai miễn phí. Khi phát hiện bệnh, thai phụ sẽ được chuyển tuyến điều trị theo bảo hiểm y tế để tránh lây truyền cho con. Khả năng lây truyền sẽ gần như tuyệt đối tránh nếu thai phụ được xét nghiệm sàng lọc 3 nhóm bệnh này sớm (trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc trong lần khám thai đầu tiên). Trên cơ sở đó, những thai phụ được chẩn đoán có bệnh sẽ vẫn sinh con khỏe mạnh bình thường nếu tuân thủ phác đồ điều trị.

Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng Khoa phòng, chống AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ) thông tin, hoạt động phòng ngừa lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai tại Cần Thơ triển khai theo 2 nguồn kinh phí là ngân sách địa phương và hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Do đó, các hoạt động liên quan đến tầm soát, dự phòng, điều trị 3 nhóm bệnh này tại thành phố sẽ không mất chi phí, kể cả chi phí xét nghiệm, theo dõi, thăm khám và thuốc. Ngoài ra, các hoạt động gồm: tập huấn cho cán bộ chương trình về lấy mẫu, xét nghiệm và báo cáo, chuyển gửi; triển khai cho các trạm y tế, thực hiện tư vấn lấy máu xét nghiệm viêm gan B và giang mai miễn phí cho phụ nữ mang thai đến khám tại các trạm y tế; tập huấn cho toàn bộ cán bộ chương trình trong hệ thống y tế Nhà nước… đều nhận được sự tài trợ từ WHO.

Công tác dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con ở Cần Thơ hiện triển khai theo 3 nhánh chính, gồm: Trước khi mang thai (tầm soát, phát hiện sớm, dự phòng bệnh); trường hợp đã nhiễm bệnh (biện pháp để không mang thai ngoài ý muốn); khi đã có thai (dự phòng lây truyền bệnh sớm, giúp thai nhi giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ. Sau sinh, tiếp tục duy trì, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con).

Để hiệu quả chương trình được bền vững, ông Dáp Thanh Giang cho biết thêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đang và sẽ tiếp tục tập trung triển khai công tác tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm sớm nhóm bệnh này cho phụ nữ mang thai. Đặc biệt, đối với bệnh HIV, các chương trình tuyên truyền sẽ nhấn vào lợi ích của điều trị ARV sớm; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền giảm kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Việc điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đã được thành phố triển khai tại tuyến quận, huyện. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ triển khai điều trị viêm gan B và giang mai tại tuyến quận, huyện. Đồng thời, ngành Y tế định hướng mở rộng hoạt động này đến các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân… nhằm theo dõi, quản lý chặt hơn nữa những phụ nữ mang thai làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, điều trị, kết quả em bé sinh ra… để chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Với những kết quả đã đạt được, Cần Thơ nỗ lực phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước loại trừ lây truyền HIV và giang mai trong những năm tới; đến năm 2030 loại trừ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con nói riêng, trong cộng đồng nói chung.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa
Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 khiến số nhà dân tại khu vực miền Trung bị ảnh hưởng tiếp tục tăng. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như lỵ, tả, viêm gan A, thương hàn... rất thường gặp trong mùa mưa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN