Qua điều tra kiến thức, thực hành về dinh dưỡng và vận động cho thấy, có 1.460 học sinh tại 3 trường tiểu học trên bị thừa cân, béo phì. Trên cơ sở rà soát và thống kê qua điều tra, hai ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp đưa ra các giải pháp can thiệp để giảm dần tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì.
Đánh giá tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thành phố có 591.211 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo, đạt 95,07%; trong đó có 6,6% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 9,8% thể thấp còi.
Hệ quả của thừa cân, béo phì đối với học sinh tiểu học đặc biệt nguy hiểm bởi đây là tác nhân gây ra các bệnh về tim mạch, trầm cảm, ung thư… Bên cạnh đó, nguy cơ đái tháo đường trên nền trẻ béo phì cũng tăng lên. Cá biệt, có những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi.
Nhằm hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ em, giai đoạn 2023 - 2025, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội. Mô hình can thiệp hướng tới phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm: Đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp.
Bên cạnh đó, mô hình sẽ cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành Y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân, béo phì tại trường học và gia đình; tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp...
Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại 60 cụm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ngành tăng cường truyền thông tại cộng đồng, tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng ở trẻ từ 2 - 5 tuổi; tổ chức chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2024…