Thực phẩm“bẩn” dễ dàng lọt vào trường học
Mấy ngày gần đây, hàng nghìn học sinh tại các trường của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) ùn ùn lên các bệnh viện của Hà Nội để xét nghiệm sán lợn, ký sinh trùng sau sự việc nhiều phụ huynh học sinh đã ghi lại được hình ảnh bữa cơm của trẻ tại trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) có thịt lợn xuất hiện dấu hiệu của bệnh sán gạo, thậm chí nghi sử dụng thịt gà, chân gà đông lạnh nát, bở làm thực phẩm cho học sinh. Trong số các em đi xét nghiệm, có hàng trăm em đã được xác định dương tính với sán dây lợn. Sự việc trước đó đã được cơ quan chức năng lập biên bản, lấy mẫu và niêm phong toàn bộ thực phẩm để kiểm nghiệm. Thậm chí tạm đình chỉ công tác của Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương để điều tra.
Tuy chưa thể xác định chính xác nguyên nhân về tỷ lệ dương tính với sán lợn của các em học sinh tại Bắc Ninh có phải do thực phẩm hay do môi sinh, nhưng qua sự việc trên cũng là tiếng chuông báo động với vấn đề an toàn thực phẩm trong các bữa ăn trường học. Nơi mà cả thế hệ mầm non tương lai đang được gửi gắm.
Cũng cách đó không lâu, tại trường Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng xảy ra vụ ngộ độc hàng loạt, 11 em học sinh buồn nôn, đau bụng, đi ngoài sau khi dùng bữa ăn ở trường khiến nhiều em phải nghỉ học.
Những vụ ngộ độc quy mô lớn tại các trường học thời gian gần đây cũng được ghi nhận. Điển hình như vụ 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn do ngộ độc món ruốc gà có vi khuẩn tụ cầu vàng; hay vụ hơn 200 trẻ mầm non và 3 giáo viên trường Mầm non Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) nhập viện do ăn bánh ngọt có chứa vi khuẩn Salmonella gây nhiễm trùng đường ruột, sốt, đau bụng, tiêu chảy… Loại bánh này do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (ở Phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) cung cấp. Nguy hiểm hơn, đây cũng là công ty được chọn cung cấp bữa ăn cho rất nhiều trường học tại Hà Nội.
Các sự việc mất an toàn thực phẩm tại trường học liên tiếp diễn ra thời gian gần đây khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng khi gửi con bán trú tại các trường, thậm chí tại các trường mầm non trẻ ăn tới 3- 4 bữa ở trường, nếu thực phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ.
Một phụ huynh ở Hà Đông (Hà Nội) từng bất ngờ tới trải nghiệm bữa ăn ở trường của con cho biết, sau bữa ăn trưa về, buổi tối cả 2 bố con cùng bị đau bụng nhẹ. Sau khi vị phụ huynh này gọi điện thông báo cho cô giáo, nhà trường có lấy ý kiến của các học sinh cũng ăn bữa ăn hôm đó để phản hồi lại, nhưng sau đó giờ ăn của các con đã trở thành “giờ cấm” khiến phụ huynh rất khó có thể tiếp cận.
Phụ huynh T.Đ.B (ở Thanh Hóa) cũng chia sẻ, khi hỏi con ăn ở trường có những gì, có ngon không? Thì cậu con trai mới nói bữa ăn thường thừa rất nhiều cơm và thức ăn vì học sinh chủ yếu lấy cơm chan canh ăn cho nhanh, thức ăn không ngon khiến các con không ăn nổi.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vấn đề an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học nói riêng đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học tuy chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm, nhưng đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng kém, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng.
Phải giám sát chặt, xử lý nghiêm
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, không chỉ vấn đề vệ sinh chế biến tại các bếp ăn, nguồn thực phẩm, nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn trường học hiện rất đa dạng, khó kiểm soát. Thêm vào đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… rất thủ công. Do đó, nếu kiểm soát không tốt, thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào các bếp ăn trường học.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết: Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại khu vực bếp ăn các trường tư thục, nhóm trẻ là khó quản lý nhất. Thời gian qua, số trường mầm non tư thục xuất hiện nhiều. Tuy đều là những cơ sở được cấp phép nhưng vấn đề quản lý ATTP với các cơ sở này có nhiều khó khăn vì đây là những cơ sở sử dụng địa điểm sẵn có, không phải được xây dựng với mục đích ban đầu là nuôi dạy trẻ, cho nên khu vực bếp ăn thường không được chú trọng.
Cũng theo ông Tụ, riêng tại Hà Nội, tính đến nay đã quản lý trên 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và gần 2.800 trường học có bếp ăn bán trú. Như vậy, số học sinh sử dụng bữa ăn tại các trường là rất lớn. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các ngành chức năng cũng chưa được chặt chẽ. Các trường không chỉ nấu ăn tại chỗ mà còn sử dụng cả thực phẩm chế biến sẵn được cung cấp từ các đơn vị chế biến khác.
Một lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, việc chọn doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho trường cũng phải theo gợi ý của các cơ quan quản lý. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo, nhà trường cũng khó kiểm soát được. Bởi quá trình giao nhận thực phẩm hàng ngày cũng chỉ có thể kiểm tra thông qua mắt thường như: Cảm thấy tươi ngon hay có bị dập nát, thối hay không, còn thành phần bên trong thì rất khó kiểm tra. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thực phẩm chín chế biến sẵn như: Bánh ngọt, sữa... trường cũng không kiểm chứng được hoàn toàn tiêu chuẩn nguồn gốc, chỉ đối chiếu theo đăng ký ATTP của bên giao nhận cung ứng.
Để kiểm soát tình trạng này, rất cần các sở y tế có các thiết bị giám định cụ thể.
Một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cũng cho biết: Vì trần suất ăn hạn chế, nhưng giá cả thị trường luôn thay đổi nên rất dễ xảy ra việc các nhà cung cấp thực phẩm cho trường học có thể sẽ tráo đổi những thực phẩm không đạt chất lượng.
Theo các phụ huynh, về nguyên tắc, phụ huynh được cùng nhà trường giám sát chất lượng thực phẩm, bữa ăn của trẻ hàng ngày, nhưng hầu như vai trò này hiện chưa thực sự được áp dụng. Nhiều trường học chưa“rộng cửa” để phụ huynh được góp mặt trong kiểm soát bếp ăn; bên cạnh đó chính phía phụ huynh đôi khi cũng bận rộn, không có thời gian để sát sao được hết.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2018, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục.
Thông tư nêu rất cụ thể quy định về ATTP cho bữa ăn tại nhà trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở trong các cơ sở giáo dục: Nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể vẫn tiếp diễn và xuất hiện ngày càng nhiều vụ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo đối với các trường học, đề nghị các trường thành lập ban giám sát ATTP, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cho biết: Có rất nhiều hình thức, biện pháp xử phạt sai phạm về ATTP, từ cảnh cáo nhắc nhở, phê bình, tạm dừng hoạt động, xử lý bằng phạt hành chính cho đến xử lý hình sự… Nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện nay, các đơn vị nghiêm túc trong việc xử phạt vi phạm thì chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả.