Trao đổi, phổ biến các kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các em học sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Còn nhiều rào cản tâm lý
Là đối tượng dễ chịu tác động nhất, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, phổ biến kiến thức về tình dục an toàn với nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là vẫn còn những rào cản tâm lý nặng nề.
Điều phối viên Lê Hoàng Minh Sơn, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết: “Tôi đã từng được tiếp cận với nhiều bạn trẻ, tham gia nhiều diễn đàn và thấy rất nhiều bạn chia sẻ, họ có cảm giác ngại ngùng khi bước vào cửa hàng và hỏi mua các phương tiện tránh thai như: Bao cao su, thuốc tránh thai… Thậm chí có những bạn còn phải ấp úng giới thiệu đang làm nghiên cứu mới dám vào mua 1- 2 chiếc bao cao su. Mặc dù những phương tiện này rất cần thiết nhưng họ chưa thể thực hiện một cách tự nhiên, dễ dàng như người đã có gia đình. Đó là bởi trong họ vẫn có những rào cản, tâm lý e ngại chưa thể xóa bỏ”.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay giới trẻ vẫn là đối tượng ít tiếp cận với các chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong khi đây mới là đối tượng chính cần tuyên truyền. Nguyên nhân là do nhóm đối tượng này rất ít khi tiếp cận với thông tin trên các kênh chính thống, mà chủ yếu qua mạng xã hội, hoặc tự "rỉ tai" nhau. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng lại có nhiều bất lợi, thậm chí có những thông tin tiêu cực ảnh hưởng xấu tới tâm lý. Chẳng hạn như những thông tin về sử dụng các biện pháp tránh thai có thể gây vô sinh, gây ung thư… dễ khiến các bạn trẻ lo sợ, dẫn tới việc họ từ chối các biện pháp tình dục an toàn.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- KHHGĐ (Bộ Y tế), sự phát triển của xã hội hiện đại khiến giới trẻ hiện nay đã có nhiều sự thay đổi về tập quán, văn hóa như: Lập gia đình muộn hơn, gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân.Trong khi đó, nhận thức của giới trẻ về tránh thai an toàn còn thấp, nhiều bạn gái trẻ do thiếu kiến thức cơ bản về tình dục thậm chí không tin tưởng vào việc dùng bao cao su hoặc không yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai không thường xuyên cùng với nhận thức không đầy đủ về nguy cơ của phá thai cũng là nguyên nhân của tỷ lệ nạo phá thai cao. Cộng với thực tế khó tiếp cận các phương tiện tránh thai cũng là nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng này.
Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trong khu vực, trung bình mỗi phụ nữ phá thai 2,5 lần trong đời. Bên cạnh đó, sự nhìn nhận tiêu cực về việc nạo phá thai còn gây nên tình trạng nhiều người đi phá thai chui ở những nơi bí mật, bất hợp pháp dẫn đến những hậu quả nặng nề về sức khỏe sinh sản.
Cần những cách tuyên truyền dễ tiếp nhận
Đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên được coi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đây cũng là nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về sức khỏe sinh sản ở Việt Nam.
Hiện nay trong chương trình giáo dục của nhà trường cũng đã đan xen các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên việc giáo viên có thể truyền đạt đến học sinh một cách hiệu quả bằng kinh nghiệm bản thân hoặc các kiến thức sẵn có hay không còn đòi hỏi ở sự nghiêm túc giảng dạy về vấn đề này.
“Hiện nay các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn còn học theo kiểu rất truyền thống, thậm chí các em còn không thể tự tin nói ra những từ như: Tình dục, bao cao su, thuốc tránh thai… dù điều này là vô cùng cần thiết. Hay kể cả trong các buổi trao đổi về đề tài sức khỏe sinh sản, các bạn trẻ cũng còn rất rụt rè không dám đặt câu hỏi mặc dù có thể họ có rất nhiều thắc mắc muốn giải đáp. Đó là vì hầu hết giới trẻ vẫn còn những rào cản tâm lý khi môi trường gia đình, xã hội chưa thực sự coi vấn đề này là bình thường”, chuyên gia Lê Hoàng Minh Sơn cho biết.
Cũng theo ông Nhạc, để giới trẻ dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các dịch vụ phòng tránh thai; vai trò của cha mẹ và môi trường gia đình là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần có những cách phù hợp với từng lứa tuổi để giáo dục trẻ về sức khỏe sinh sản; dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như: Cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Khi môi trường gia đình cởi mở với vấn đề này thì trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận các kiến thức bên ngoài. Có những trường hợp cha mẹ muốn chia sẻ với con nhưng con lại bảo con biết rồi, con được học ở trường rồi… cho thấy việc tiếp nhận kiến thức tại nhà trường cũng rất quan trọng. Tuy nhiên việc học tại nhà trường cũng cần phải có phương pháp phù hợp; những vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản cần phải đưa vào giảng dạy từ khi các em còn rất nhỏ.
“Để đối tượng vị thành niên/thanh niên tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tránh thai an toàn Nhà nước cần đầy tư để cập nhật các biện pháp tránh thai hiện đại, đơn giản, thuận tiện giúp tăng lựa chọn cho các bạn trẻ. Cần có sự cải tiến phương pháp truyền thông về các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với giới trẻ, xóa bỏ những hiểu lầm về các biện pháp tránh thai; đồng thời tận dụng triệt để các ứng dụng công nghệ, điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, có thể học tập các biện pháp giảng dạy về tình dục an toàn của các nước phát triển như có thể đan xen các câu chuyện về tình dục vào các bài học trong nhà trường, đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ nhanh nhạy hơn nữa, cách truyền thông sáng tạo dễ tiếp cận và tạo được cơ hội để các bạn trẻ tự nắm bắt kiến thức và chia sẻ thông tin với nhau mới thực sự hiệu quả”, chuyên gia Lê Hoàng Minh Sơn chia sẻ.