Các vụ hành hung nhân viên y tế - góc nhìn từ hai phía

Trong năm 2017, cả nước xảy ra 25 vụ "hành hung nhân viên y tế" và từ đầu năm đến nay đã xảy ra ít nhất 5 vụ.

Sau mỗi vụ việc xảy ra, xã hội lại xôn xao với đủ cung bậc cảm xúc. Nhiều người bất bình, xót xa vì sự xuống cấp của đạo đức trước hành xử của những kẻ tấn công các y bác sĩ – người đang chăm sóc sức khỏe, thậm chí là đang giành giật lại sự sống cho thân nhân của chính những người đó. Cũng có người buông câu “không có lửa làm sao có khói”… Tuy nhiên, dù vì lý do gì, việc sử dụng hành vi bạo lực trong môi trường y  tế, nhất là đối với những người đang nỗ lực cứu chữa người bệnh là điều không thể chấp nhận được.

Ngày càng gia tăng

Theo Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ riêng trong năm 2017, cả nước xảy ra 25 vụ hành hung trong bệnh viện đã được cơ quan công an thụ lý. Đặc biệt tính chất, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, cho thấy mức độ đáng báo động của vấn nạn bạo hành đối với các y bác sĩ trong quá trình làm việc. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế.


Vụ việc mới đây nhất, vào khoảng 23 giờ 30 ngày 13/4, bác sĩ trực V.H.C, 29 tuổi (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) tiếp nhận một bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán. Đi cùng bệnh nhi là người đàn ông cao to, tóc buộc dài, khuôn mặt dữ dằn.

Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người này nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. khiến anh không kịp phản ứng. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và Công an phường Điện Biện, quận Ba Đình có mặt, người này mới chịu dừng.

Trong lúc bác sĩ C. được đồng nghiệp và lực lượng chức năng đưa ra ngoài, người nhà bệnh nhi ở trong phòng tự rút hết tiền trong ví vứt lên bàn để “tạo hiện trường giả” phải lót tay bác sĩ. Mọi hành động đều được camera của bệnh viện ghi lại…

Trước đó, cũng vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 8/4, bác sỹ Nguyễn Đình Phi - Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Phúc Đ. (14 tháng tuổi) trong tình trạng sốt cao 39,6 độ C và đã được đặt thuốc hạ nhiệt hậu môn tại Khoa Cấp cứu chống độc. Tuy nhiên, khi mới bế bé vào khoa, người đàn ông được cho là bố của bé đã chửi mắng ầm ĩ. Lý do là bệnh nhi này trước đó đã điều trị và ra viện cách đây 1 tháng, tuy nhiên, tại sao hiện nay bị sốt lại phải đưa vào nhập viện. Người đàn ông chửi mắng tại sao bác sĩ khoa Nhi điều trị không dứt bệnh để bị sốt. Khi bé được đưa vào khoa Nhi, bác sĩ Nguyễn Đình Phi nhanh chóng đo nhiệt độ cho bé, thăm khám ban đầu yêu cầu phải cho uống thuốc hạ sốt. Vừa dứt lời, bác sĩ Phi đã bị người đàn ông túm cổ áo đánh, làm bác sĩ vỡ kính mắt, choáng váng ngã xuống sàn nhà.

Đang tiếp đón bệnh nhân gần đó, thực tập sinh Trần Nhật Giáp (sinh viên năm 6, Trường Đại học Y khoa Vinh) vào can ngăn liền bị người này đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu, khiến em bất tỉnh…

Đó chỉ là hai trong số 5 vụ hành hung nhân viên y tế từ đầu năm 2018 đến nay. Mức độ vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những cú ra tay của những kẻ đang đưa người nhà đến bệnh viện chữa bệnh ngày càng trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn.

Đi tìm nguyên nhân

Bác sĩ Nguyễn Văn Ng. được khám sau khi cấp cứu xong cho bệnh nhân.

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc người nhà người bệnh và đối tượng bên ngoài hành hung, truy sát, gây rối, uy hiếp người bệnh và nhân viên y tế tại các bệnh viện, trong năm 2017, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị tăng cường an ninh trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhận định, qua các số liệu thống kê, đánh giá của lực lượng Công an, trong những năm vừa qua, an ninh bệnh viện trở thành một vấn đề cần quan tâm, theo dõi. Tổng Cục Cảnh sát chỉ ra 7 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên từ phía bệnh viện, y bác sĩ và nhân viên bệnh viện.

Theo đó, do việc thiếu, hạn chế về các trang thiết bị an ninh bảo vệ tại các bệnh viện nên hầu hết các đối tượng cò mồi, lừa đảo, trộm cắp tại các bệnh viện thường lợi dụ điều này để trà trộn vào thực hiện các hành vi phạm tội. Lực lượng nhân viên bảo vệ tại các bệnh viện còn ít, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là trong công tác phản ứng với các tình huống nguy hiểm. Phần lớn nhân viên bảo vệ chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra, vào cổng bệnh viện, trông xe, ít can thiệp vào việc kiểm soát người tại khu vực khám chữa bệnh. Do vậy, khi có các tình huống phát sinh tại khu vực khám chữa bệnh, nhân viên bảo vệ không kịp phản ứng, xử lý tình huống. Nhiều trường hợp đối tượng sử dụng hung khí gây rối tại bệnh viện nhưng nhân viên bảo vệ không dám khống chế, trấn áp đối tượng.

Đại diện ngành Công an cũng nhìn nhận, hiện tại, công tác đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an tại các bệnh viện chưa được chú trọng. Hiện chỉ có các bệnh viện lớn mới có sự phối hợp giữa Công an sở tại với bệnh viện trong việc cắt cử cán bộ tham gia bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện, còn lại chủ yếu là thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân...

Tuy vậy, đại diện ngành Công an cũng cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện thời gian qua là do thái độ, cung các ứng xử với bệnh nhân, người nhà của một số bác sĩ chưa chuẩn mực, những nhiễu, gây nên tâm lý bức xúc trong người nhà bệnh nhân. Đặc biệt thường xảy ra tại các ca cấp cứu liên quan đến chấn thương, sinh đẻ.. Trong các tình huống đó, các bác sĩ còn thiếu các kỹ năng về tâm lý, trấn an tinh thần cho người nhà, tạo nên những tác động tiêu cực đến tinh thần, cảm xúc của bệnh nhâ, người nhà trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng khiến họ phẫn nộ, dẫn đến các hành vi quá khích như đập phá đồ đạc, tài sản, đe dọa, chửi bới nhân viên bệnh viện, thậm chí hành hung y bác sĩ...

Tại cuộc làm việc với ngành Y tế đầu năm 2018, trước tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị ngành chức năng có những biện pháp bảo vệ bác sĩ, cán bộ y tế, nghiêm trị những kẻ gây rối. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “Trừ một vài trường hợp say rượu quấy phá bệnh viện, còn lại phần nhiều trường hợp người nhà gây sự do bất bình vì phục vụ. Có bất bình do không được nhân viên y tế giải thích, có bất bình do bản thân một số cán bộ chưa thực sự tốt”.

Lật lại một số vụ việc cho thấy, một vấn đề không nhỏ góp phần gây nên tình trạng bạo hành thầy thuốc chính là do thái độ phục vụ của một số ít nhân viên y tế chưa chuẩn mực, những nhiễu, thiếu trách nhiệm… gây tâm lý bức xúc cho người nhà bệnh nhân…

Anh Nguyễn Xuân Hưng (phường Sông Cầu, thành phố  Bắc Kạn) người được cho là đã hành hung hai nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã chia sẻ: “Nếu ai ở hoàn cảnh vợ đang nguy kịch, tay chân co quắp, toàn thân cứng đờ, đông máu sau khi tiêm nhưng nhân viên y tế lo sợ bỏ ra ngoài không ai theo dõi. Đến khi đi tìm được y bác sĩ, họ lại lững thững mà không nhanh chóng cấp cứu mới hiểu được tâm trạng của tôi...".

Cần những giải pháp đồng bộ

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các lực lượng chức năng trong đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện. Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa…

Thống kê cho thấy, các vụ tấn công nhân viên y tế, gây mất trật tự an ninh bệnh viện đều đã được lực lượng chức năng địa phương làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật... Mới đây nhất, ngày 11/4, Toà án nhân dân thành phố Đồng Hới đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ba đối tượng hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Các bị cáo đều bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”, với mức phạt tù thích đáng...

Về phía ngành Y tế, lãnh đạo ngành đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù cả hệ thống khám chữa bệnh của ngành đang nỗ lực chuyển mình cải tiến chất lượng, nhưng vẫn có những bệnh viện, nhân viên y tế chưa nỗ lực hết mình, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân nhân.

Toàn ngành Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện.

Ngành tiếp tục việc đẩy mạnh đánh giá chất chất lượng và cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Các bệnh viện đánh giá theo 83 tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế nhằm giúp bệnh viện tự xác định những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề còn yếu, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân để đưa ra các vấn đề ưu tiên cần cải tiến. Giải pháp lâu dài là sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây chính là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các bệnh viện cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa

 Với các biện pháp quyết liệt, có thể tin rằng, chất lượng khám, chữa bệnh, tinh  thần thái độ và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế… sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hành hung cán bộ y tế là vi phạm nghiêm trọng Luật hình sự
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hành hung cán bộ y tế là vi phạm nghiêm trọng Luật hình sự

Chia sẻ với báo chí ngày 17/4, Bộ trưởng Y tế Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Hành hung cán bộ y tế đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật hình sự sửa đổi năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN