Ca mắc tăng nhanh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mở rộng khu điều trị bệnh sởi

Ngày 5/12, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi, số ca mắc mới không ngừng tăng, bệnh viện đã chủ động mở rộng khu điều trị bệnh sởi để đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (ảnh tư liệu).

Theo đó, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai bố trí dành riêng khu nhà 3 tầng của khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị các ca bệnh sởi, cách biệt hoàn toàn với các khoa điều trị bệnh khác trong bệnh viện. Bệnh nhân sởi có lối đi riêng, đảm bảo chống lây nhiễm chéo. Khu vực này trước đây có thể tiếp nhận, điều trị được 250 bệnh nhân. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng đông, bệnh viện đã tăng thêm 70 giường bệnh để mở rộng khu điều trị; từ đó, nâng công suất tiếp nhận, điều trị lên hơn 300 bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, từ cuối tháng 8/2024 đến nay, bệnh viện đã có phương án tiếp nhận điều trị bệnh sởi tốt, đảm bảo cách ly, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện có khu khám bệnh ngoại trú, mỗi ngày tiếp nhận từ 250 – 300 bệnh nhân, có khu cấp cứu sởi riêng với 6 – 8 giường bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện có khu Hồi sức tích cực sởi được thiết kế từ thời dịch, bệnh COVID-19 với 15 giường, có đầy đủ trang thiết bị, máy móc, trong đó bao gồm cả máy thở.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ điều trị bệnh sởi ở các mức độ được bệnh viện đảm bảo. Về nhân lực, bệnh viện hiện có 50 điều dưỡng tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi. Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai đã chỉ đạo các bệnh viện trong tỉnh hỗ trợ thêm cho bệnh viện 10 điều dưỡng.

“Chúng tôi đã tập huấn cho 10 điều dưỡng được huy động để các điều dưỡng nắm bắt những thông tin cần thiết về theo dõi, chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Những điều dưỡng mới sẽ được đưa vào khu điều trị nội trú của khoa Bệnh nhiệt đới. Các điều dưỡng của khoa sẽ trực xen kẽ để hỗ trợ các điều dưỡng mới làm quen với công việc. Cho đến nay, nhân lực bác sĩ và điều dưỡng phục vụ điều trị sởi tương đối đảm bảo” bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 5/12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.200 ca mắc sởi, 2 trường hợp tử vong. Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, giai đoạn COVID-19, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine sởi rất thấp. Sự thiếu hụt vaccine trong những năm tiếp theo dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi.

Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ rất sớm. Dự kiến sẽ tiêm cho hơn 83.000 người. Kết quả, đến nay đã tiêm cho hơn 82.300 người, đạt tỷ lệ 97%. Hiện địa phương vẫn đang tiếp tục tuyên truyền người dân, rà soát những trường hợp chưa tiêm vaccine sởi để thực hiện tiêm vét. Ngoài ra, hơn 2.800 nhân viên y tế có nguy cơ cao tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh cũng đã được tiêm vaccine trong chiến dịch lần này.

Bài và ảnh: Lê Xuân (TTXVN)
Phòng ngừa bệnh sởi
Phòng ngừa bệnh sởi

Những ngày qua, số bệnh nhân sởi là người lớn có chiều hướng gia tăng. Các bác sĩ cảnh báo, hiện vẫn còn nhiều người lớn chủ quan với bệnh sởi. Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gây tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN