Theo đó, Bộ Y tế cho biết nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám, chữa bệnh và một số bác sỹ tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính. Trong khi đó, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.
Cụ thể, ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). Tổ chức Y tế thế giới cũng xác định "đồng tính không phải là bệnh" mà là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới. Đồng tính và chuyển giới đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khỏi chương “Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi” trong Danh mục các bệnh quốc tế (ICD) lần lượt vào năm 1990 và 2019.
Do vậy, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý quán triệt các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sỹ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới. Khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này; không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.