Theo Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai cùng các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện vừa tổ chức đi khảo sát đánh giá thực trạng công tác chuyên môn, vận hành của các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội.
Tại cơ sở thu dung, điều trị F0 của quận Đống Đa đặt tại Ký túc xá trường Đại học Thủy Lợi (175 phố Tây Sơn, Hà Nội), hiện đang quản lý, điều trị và theo dõi cho 400 F0. Đại diện đơn vị cho biết, khu thu dung này có thể nâng cấp để tiếp nhận được 800 F0 tuỳ theo tình hình dịch diễn biến dịch.
Kiểm tra, góp ý cho công tác thu dung điều trị, PGS.TS. Đào Xuân Cơ đề nghị mỗi tầng của toà nhà nơi đang điều trị người bệnh F0 cần bố trí ngay 1 phòng cấp cứu, có trang bị bình oxy và các phương tiện cấp cứu để sẵn sàng cấp cứu khi người bệnh F0 có triệu chứng trở nặng trong khi liên hệ chuyển lên tầng cao hơn. Đồng thời, cần bố trí đủ cơ số thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của Bộ y tế và chuẩn bị sẵn các thuốc điều trị bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
PGS.TS. Đào Xuân Cơ cũng nhấn mạnh việc đánh giá phân loại mức độ nặng của F0 cần thực hiện nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó bệnh nhân thuộc tầng nào cần điều trị và theo dõi tại tầng đó, nếu nặng lên thì chuyển bệnh nhân lên tầng trên (nâng tầng). Bệnh viện tầng trên cũng cần bố trí cơ số giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng. Nếu bệnh nhân tầng trên tiến triển tốt, giảm triệu chứng về mức nhẹ thì cần chuyển về tầng dưới (hạ tầng) hoặc ra viện ngay. Việc đánh giá, phân loại bệnh nhân để nâng tầng hoặc hạ tầng cần thực hiện thường quy hằng ngày và liên thông giữa các cơ sở thu dung, các trạm y tế lưu động và bệnh viện tầng trên.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống dịch quận Đống Đa, ngoài cơ sở thu dung tại Khu ký túc xá Đại học Thuỷ lợi, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, quận Đống Đa đã có kế hoạch triển khai tiếp Khu thu dung điều trị người bệnh COVID-19 tại Khu ký túc xá Đại học Ngoại thương.
Đoàn công tác cũng đã đi khảo sát tình hình điều trị F0 tại một số trạm y tế lưu động trên địa bàn quận Đống Đa.
Tại trạm y tế lưu động phường Văn Miếu, DS. Phạm Thị Hồng Ngọc, phụ trách Trạm cho biết: Hiện các túi thuốc điều trị COVID-19 đã được chuyển đến tận nhà cho các người bệnh F0 trên địa bàn phường. Trạm sẽ tiếp tục lĩnh bổ sung cơ số thuốc để phục vụ người bệnh F0 trong thời gian tới.
Theo Ban chỉ đạo chống dịch quận Đống Đa, hiện trên địa bàn quận đã thành lập 21 trạm y tế lưu động tại 21 phường với các yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế, quận Đống Đa đã có kế hoạch triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ chính của các trạm y tế lưu động là: Quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm; tiêm vaccine phòng COVID-19; truyền thông công tác phòng, chống dịch; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh nền...
Ngay sau buổi khảo sát, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có những thảo luận và góp ý với Ban chỉ đạo chống dịch quận Đống Đa về việc cần huy động toàn thể hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, lực lượng tình nguyện, y tế công lập, y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, các mạnh thường quân,… cùng sát cánh đồng hành tham gia công tác chống dịch.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết: Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ tích cực công tác chuyên môn, đào tạo tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, đánh giá và phân loại người bệnh COVID-19, các quy trình vận hành tại trạm y tế lưu động và tại các cơ sở thu dung điều trị… nhằm giúp quận Đống Đa sớm kiểm soát được dịch COVID-19.