Bệnh viện Bà Rịa kích hoạt báo động đỏ cấp cứu thành công bệnh nhân đứt lìa tay

Ngày 28/11, Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) thông tin, nhờ kích hoạt báo động đỏ, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời và nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho một nam bệnh nhân (39 tuổi, ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức).

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bà Rịa đã kích hoạt báo động đỏ để cấp cứu và nối lại chi phải cho bệnh nhân N.S ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 13/11, anh N.S (ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) bị máy đan lưới cuốn đứt rời cánh tay phải. Sau đó, anh S và phần cánh tay đứt lìa được người nhà chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, đau nhiều, kích thích, da niêm nhợt, vã mồ hôi, vết thương vùng vai băng rỉ máu nhiều. 

Ê-kíp trực tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa đã kích hoạt báo động đỏ nội viện nhằm huy động các nguồn lực cần thiết cho việc cứu sống người bệnh, cứu sống chi đứt rời cũng như chuẩn bị máu, phòng mổ, phương tiện hồi sức… Sau gần 7 giờ phẫu thuật, cánh tay đứt lìa đã được nối lại, bàn tay và các ngón tay ấm hồng. Ca phẫu thuật có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu cho nối mạch máu và nối thần kinh.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình kiểm tra chi phải sau khi được nối thành công cho bệnh nhân N.S ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, bàn tay ấm hồng, không còn sưng nề, vết thương ổn định. Cánh tay đứt lìa đã sống tốt sau phẫu thuật nối.

Bác sỹ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa (bác sỹ phẫu thuật chính nối chi cho bệnh nhân N.S) cho biết, đây là trường hợp đứt lìa chi hiếm gặp, đặc biệt phần chi đứt lìa lớn. Ê-kíp của bệnh viện đã cấp cứu kịp thời, tận dụng thời gian vàng để có kết quả phục hồi tốt nhất. Bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật cao (Kỹ thuật vi phẫu trong nối ghép mạch máu, nối thần kinh) để triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Phương Nam khuyến cáo, người dân khi bị đứt lìa chi thể cần băng ép cầm máu phần mỏm cụt (phần còn dính với cơ thể), phần đứt lìa phải dùng vải sạch bao bọc lại bỏ vào túi nilon và đặt vào thùng đá (tránh tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh); sau đó, chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu sẽ mất đi thời gian vàng để nối lại chi thể và hậu quả không tốt sau khi nối; đôi khi không thể nối lại chi thể do để quá lâu.

Hoàng Nhị (TTXVN)
Người học chuyên ngành tâm thần, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, pháp y được hỗ trợ học phí
Người học chuyên ngành tâm thần, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, pháp y được hỗ trợ học phí

Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt toàn khóa học cho người theo học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của nhà nước. Đây là nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN