Theo người nhà nạn nhân, vào trưa 20/11, trong lúc dọn dẹp bụi cỏ, bà T.H.C (62 tuổi, ngụ Phường 1, thành phố Bạc Liêu) bị ong bắp cày đốt trên 50 vết dẫn đến sốc phản vệ nặng, gây nguy hiểm tính mạng. Nạn nhân có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê cứng hàm, toàn thân nổi mề đay, mệt, choáng, khó thở, ngất xỉu, nên được người thân đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, bước đầu xác định, nạn nhân phản ứng phản vệ độ 2 do ong đốt dẫn đến suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng. Nạn nhân được chuyển đến Khoa Hồi Sức Cấp Cứu để tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và được tiến hành lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ để đào thải các độc tố do ong đốt.
Sau 24 giờ lọc máu liên tục và điều trị nội khoa tích cực, tình trạng sức khỏe của nạn nhân được cải thiện đáng kể; các vết ong đốt giảm đau nhức, sưng nề, tình trạng tổn thương đa cơ quan và rối loạn đông máu được kiểm soát. Nạn nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và nói chuyện bình thường. Dự kiến bà T.H.C có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cũng đã cứu sống nạn nhân P.V.T (68 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) bị ong vò vẽ đốt hơn 120 nốt. Sau 21 ngày nỗ lực điều trị tích cực của nhiều chuyên khoa, nạn nhân đã ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, nọc của ong bắp cày rất độc và nguy hiểm. Trường hợp bị ong đốt với số lượng nhiều nếu không được điều trị tích cực kịp thời, có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi bị ong đốt, nếu phát hiện người gặp nạn có dấu hiệu nghiêm trọng (mệt, khó thở, choáng, ngất xỉu) cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.