Chiều 1/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân gồm: BN182, BN678 và BN 1038.
Bước ra từ khu vực điều trị để được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân 812 (63 tuổi, ở phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là người giao hàng của cửa hàng Pizza trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đi lại khoẻ mạnh, nhanh nhẹn trở lại. Ông không giấu nổi niềm vui mừng trong giây phút này vì những tưởng đã không qua khỏi để có ngày hôm nay.
Vẫn còn chút hoảng hốt khi nhắc đến lúc biết mình mắc bệnh, bệnh nhân 812 kể: “Tôi vẫn nhớ chiều ngày 23/7, khi tôi đến cửa hàng Pizza trên phố Trần Thái Tông thì cửa hàng trưởng có nhờ tôi vào sửa cái máy phát bị trục trặc. Như bình thường tôi vào sửa, trong quá trình đó, bệnh nhân 447 (đi về từ Đà Nẵng sau đó được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2) là người đưa dụng cụ cho tôi sửa máy; sau đó tôi cũng tiếp xúc gần, nên tôi nghĩ mình bị lây bệnh từ đó”.
Vào đêm ngày 26/7, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện sốt, chiều ngày hôm sau ông vào Bệnh viện Thanh Nhàn và nằm theo dõi ở đó 2 ngày 2 đêm trước khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị.
“Tôi bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sốt, đau mỏi gáy, người. Các triệu chứng cũng bắt đầu xuất hiện mạnh nhất sau khi tôi sốt. Trong 2 ngày nằm ở Bệnh viện Thanh Nhàn, tôi đã cảm thấy như kiệt sức. Khi bác sĩ cho đi chụp X-quang, chỉ bước từ trong phòng ra thang máy đứng đợi mà tôi đã không chịu nổi, người rét run, cảm thấy không còn sức. Đến lúc được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tôi đã rất nặng, bị phù người và 2 chân, cân nặng tăng đột ngột từ 77 kg lên 84 kg. Nhưng lúc tôi cảm thấy sợ nhất là lúc mới vào khoa Cấp cứu, khi bác sĩ bảo: “Sao chú đến muộn thế?”, bệnh nhân 812 nhớ lại.
Trong lúc lo sợ nhất, bệnh nhân 812 vẫn nhớ như in câu nói của bác sĩ điều trị rằng: “Cơ hội chữa trị của chú chỉ còn 50/50, chú phải tuyệt đối tuân thủ điều trị, nếu không khả năng tử vong rất cao”.
“Trong lúc tuyệt vọng, câu nói đó của bác sĩ khiến tôi như “người chết đuối vớ được cọc”, tinh thần tôi lúc đó thực sự hoang mang. Tôi phải tự trấn an mình, lúc này bác sĩ bảo gì tôi đều nghe hết, chỉ mong được khỏi bệnh”.
Với nghị lực đó, cùng sự động viên tinh thần của các bác sĩ, trong quá trình điều trị, có những lúc bệnh nhân 812 đã trở nặng, thậm chí tiên lượng xấu, nhưng dần dần bệnh nhân đã hồi phục. Khi nhập viện, bệnh nhân được cho thở oxy dòng cao, nhưng không đáp ứng, bệnh nhân còn có biểu hiện liệt cơ. Có giai đoạn bệnh diễn biến tăng nặng, các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy cho bệnh nhân.
Chia sẻ về quá trình điều trị ca bệnh khó này, BS. Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Trong đợt dịch COVID-19 lần này, bệnh nhân 812 là một trong những bệnh nhân nặng nhất tại Hà Nội. Bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng, rộng, phải đặt ống thở máy mức tối đa nên trong quá trình điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, may mắn là trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt nên sức khỏe đã ổn định dần. Hiện, bệnh nhân đã được rút ống thở khoảng 1 tuần, xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và vẫn tiếp tục cách ly, theo dõi tình trạng phổi”.
Ngoài bệnh nhân 812, còn 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh chiều 1/9 gồm:
BN678 (38 tuổi, Nữ, ở Thị trấn Đình Lập, Huyện Đình Lập, Lạng Sơn). Bệnh nhân vào viện ngày 5/8/2020. Bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân tỉnh, không ho, không sốt, không khó thở.
BN1038 (21 tuổi, Nam, ở phường 3, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bệnh nhân vào viện ngày 28/8; đã có 3 lần kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không đau ngực, không khó thở.
Các bệnh nhân này sẽ được tiếp tục theo dõi sức khoẻ và cách ly thêm 14 ngày theo quy định.