Bé gái 13 tuổi bị tiểu đường nặng, rơi vào nguy kịch do uống nhiều nước ngọt

Vào thời điểm Tết, bé gái 13 tuổi ngụ ở Cà Mau đã uống 3 - 4 chai nước ngọt/ngày, tương đương với 1,5 lít nước. Sau Tết, bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều và đặc biệt trong vòng 3 ngày bé sụt đến 10 kg.

Ngày 18/2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bé gái đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.

Chú thích ảnh
Hiện bé gái đã tỉnh lại và qua được những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Ảnh: BVNDTP

Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, vào những ngày Tết, mỗi ngày bé uống 3 - 4 chai nước ngọt và thời điểm này bé tăng cân nhanh. Tuy nhiên, sau Tết bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều, sụt 10 kg trong 3 ngày và cứ thế uống nước ngọt không kiểm soát mỗi khi mệt. Đỉnh điểm, có ngày bé uống hết một thùng nước ngọt, 5 bịch cà phê gói pha và hơn hai trái dừa tươi. Càng uống nước ngọt, bé lại càng mệt.

Đến chiều tối ngày 14/2, bé nằm vật vã rồi lơ mơ, gia đình đã đưa bé vào bệnh viện địa phương xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé có biểu hiện của bệnh đái tháo đường và đường huyết ghi nhận lúc đó hơn 1500 mg/dl.

Theo các bác sĩ, chỉ số đường huyết này rất cao, có thể gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Bệnh nhi lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu và cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, bằng thuốc tiêm đặc trị đáo thái đường… Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã tỉnh lại và vượt qua được những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, thời gian tới, bệnh nhi cần thay đổi chế độ ăn để kiểm soát căn bệnh này vì tuổi còn quá nhỏ.

Theo các chuyên gia y tế, nước ngọt không tốt cho trẻ vì thành phần chủ yếu là đường, ngoài việc gây ảnh hưởng đến men răng còn gây biếng ăn cho trẻ. Nếu lạm dụng nước ngọt thường xuyên sẽ khiến cơ thể trẻ bị đào thải canxi, dẫn đến thiếu canxi, trẻ bị thấp còi. Ngoài ra, trẻ uống nước ngọt nhiều còn dễ bị nguy cơ béo phì và mắc các bệnh lý tim mạch khi trưởng thành. Do đó, cha mẹ cần kiểm soát, điều chỉnh việc sử dụng nước ngọt của con.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu một người uống 2 lon nước ngọt/ngày thường xuyên mỗi ngày và đều đặn sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 30%.

Đan Phương/Báo Tin tức
Phối hợp cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim nguy kịch
Phối hợp cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim nguy kịch

Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân 16 tuổi bị viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, choáng tim nguy kịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN