Bắt đầu thử nghiệm ở người vaccine ngừa HIV sử dụng công nghệ mRNA

Ngày 27/1, công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna và Sáng kiến vaccine phòng chống AIDS quốc tế (IAVI) thông báo vaccine ngừa virus HIV sử dụng công nghệ mRNA đã bắt đầu được thử nghiệm ở người.

Mặc dù đã tiến hành nghiên cứu trong 4 thập niên qua, các bác sĩ vẫn chưa phát triển được loại vaccine để bảo vệ con người trước virus HIV gây bệnh AIDS, vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, hy vọng đã dấy lên với sự thành công của công nghệ mRNA cho phép phát triển vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian nhanh kỷ lục, bao gồm vaccine của Moderna. Cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 đối với vaccine ngừa HIV dựa trên công nghệ mRNA đang được thực hiện tại Mỹ trên 56 người trưởng thành khỏe mạnh có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. 

Mục tiêu của vaccine đang được thử nghiệm là kích thích sản sinh một loại kháng thể được gọi là "kháng thể trung hòa trên diện rộng", hay bnAbs, có thể phát huy hiệu quả chống lại nhiều biến thể của virus HIV đang lưu hành hiện nay. Vaccine này sẽ "huấn luyện" các tế bào lympho B - một phần của hệ miễn dịch - tạo ra các kháng thể này. Trong thử nghiệm lần này, các tình nguyện viên được tiêm chất sinh miễn dịch - một chất có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch - và sau đó là chất sinh miễn dịch tăng cường. Các chất này được sản xuất bằng công nghệ mRNA. 

Tuyên bố của Moderna và IAVI nêu rõ: "Việc tạo ra bnAbs được coi là một mục tiêu của chiến dịch tiêm phòng HIV và đây là bước đầu tiên trong quá trình đó". Với tốc độ sản xuất vaccine công nghệ mRNA, nền tảng này cung cấp cách tiếp cận nhanh chóng và nhạy bén đối với việc phát triển và thử nghiệm vaccine.

Các chất sinh miễn dịch được sử dụng trong thử nghiệm này do IAVI và Viện Nghiên cứu Scripps phát triển, với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ và Moderna. Năm ngoái, cuộc thử nghiệm đầu tiên đã đánh giá chất sinh miễn dịch đầu tiên nhưng không sử dụng công nghệ mRNA. Thử nghiệm cho thấy phản ứng miễn dịch mong muốn đã được kích hoạt ở hàng chục tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Bước tiếp theo là huy động sự tham gia của Moderna với công nghệ mRNA mới. Giám đốc điều hành IAVI Mark Feinberg nhấn mạnh công cuộc tìm kiếm vaccine ngừa HIV đã kéo dài và đầy thách thức. Do đó, việc có các công cụ mới về chất sinh miễn dịch có thể là chìa khóa để đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển và bào chế vaccine ngừa HIV hiệu quả.

Phương Oanh (TTXVN)
Vaccine mRNA sẽ trị bệnh ung thư, HIV/AIDS như thế nào
Vaccine mRNA sẽ trị bệnh ung thư, HIV/AIDS như thế nào

Vaccine mRNA hoặc DNA làm cho cơ thể có thể nhận ra tốt hơn các chất neoantigen mà tế bào ung thư đã tạo ra. Nếu hệ miễn dịch có thể nhận ra và nhìn thấy những chất đó tốt hơn, nó sẽ tấn công các tế bào ung thư và loại bỏ chúng khỏi cơ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN