Nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn còn là một bí ẩn. Mặc dù có số lượng đột biến cao nhưng nó không hề phân tách từ một trong những chủng đáng lo ngại khác như Alpha, Beta hay Delta, mà lại từ một chủng virus SARS-CoV-2 từng xuất hiện khoảng 18 tháng trước. Vậy trong khoảng thời gian đó nó đã ẩn nấp ở đâu? Và tại sao bây giờ mới xuất hiện để tàn phá hệ thống y tế?
Tờ Guardian đưa tin các nhà nghiên cứu đang đi tìm lời giải thông qua một số giả thuyết. Một trong số đó chính là việc Omicron xuất hiện tại một khu vực hẻo lánh ở phía Nam châu Phi, song không thể lan rộng cho đến tận bây giờ. Giả thuyết khác là nó tiến hoá trong các loài động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như chuột, sau đó lại lây ngược sang con người.
Nhưng lời giải thích thứ ba đang đạt được nhiều sự ủng hộ trong bối cảnh ngày càng có thêm thông tin về Omicron. Giả thuyết đó chính là Omicron sản sinh trong cơ thể một người có hệ miễn dịch bị suy giảm. Ví dụ như người đang điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng hoặc người mắc HIV nhưng không được điều trị kháng virus.
Khả năng cuối cùng đã gây lo ngại trên toàn cầu. Vùng cận Sahara của châu Phi là nơi có 2/3 người nhiễm HIV trên thế giới đang sinh sống. Trong hàng loạt lý do từ thiếu tiếp cận khám chữa bệnh đến nỗi sợ bị kỳ thị, nhiều người ở khu vực này không được điều trị HIV hiệu quả.
Ngoài những vấn đề trực tiếp mà HIV gây ra và tính dễ bị tổn thương đối với COVID-19, những người bị nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc không được kiểm soát có nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới.
Bác sĩ Richard Lessells, chuyên gia về bệnh lây nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), chia sẻ: “Đối với tôi, có hai việc lớn. Đầu tiên là khoa học cần phải khám phá rõ hơn về vấn đề này. Nhưng quan trọng hơn, về mức độ sức khoẻ cộng đồng, chúng tôi không cần chờ đợi khoa học. Đó là một lời nhắc nhở rằng trong khi giải quyết thách thức trước mắt của COVID-19, chúng ta cũng cần tăng cường nỗ lực để chấm dứt HIV như một vấn đề sức khỏe cộng đồng”.
Giả thuyết nghi ngờ rằng các biến thể đáng lo ngại có thể phát triển ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu không phải là mới. Các biến thể Alpha và Beta, được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái ở Anh và Nam Phi, được nhiều người cho là đã xuất hiện sau khi một số bệnh nhân bị nhiễm bệnh kéo dài.
Cơ chế này từng được nhà tự nhiên học Charles Darwin nêu ra cách đây hơn 150 năm: Tiến hoá thông qua chọn lọc tự nhiên. Nếu một người mắc COVID-19 nhưng chỉ gây được phản ứng miễn dịch yếu, tình trạng lây nhiễm có thể kéo dài dai dẳng nhiều tháng.
Trong khoảng thời gian này, các kháng thể vô hiệu hoá một số virus, nhưng không thể trung hoà các phiên bản đột biến mà chúng kém liên kết hơn. Những virus sống sót này sinh sôi, đột biến và trải qua qúa trình chọn lọc tự nhiên sâu hơn, có khả năng dẫn đến một số biến thể lẩn trốn được phản ứng miễn dịch.
Một nghiên cứu sơ bộ được đăng trên mạng trực tuyến tuần này cho thấy quá trình chọn lọc này đang diễn ra ở virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học ở Nam Phi, trong đó có ông Richard Lessells, đã lần ra dấu vết của một mẫu virus SARS-CoV-2 cụ thể trong một phụ nữ 36 tuổi nhiễm HIV nhưng không được điều trị bằng thuốc kháng virus hiệu quả. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã nuôi dưỡng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể suốt 216 ngày và trong thời gian đó, nó đã tích lũy 32 đột biến khiến nó mạnh ngang ngửa biến thể Beta gây giảm công dụng của vaccine.
Nhóm nghiên cứu cho biết nếu sự suy yếu của hệ thống miễn dịch do HIV thúc đẩy quá trình tiến hóa của COVID-19 thì cần phải tăng cường liệu pháp kháng retrovirus để ngăn chặn SARS-CoV-2.
Viết trên tạp chí Nature, ông Lessells cùng đồng nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc trên. Họ cảnh báo rằng việc không xử lý đại dịch COVID-19 với mức độ khẩn cấp cần thiết tại các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV không được kiểm soát cao sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 dễ lây chéo hơn, hoặc làm cho vaccine kém hiệu lực.
Do đó, nỗ lực cần thiết là rất lớn. COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và bệnh nhân HIV nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 1.300 nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19 tại riêng ở Nam Phi. Hàng ngàn người khác có thể rời bỏ nghề vì sức ép công việc. Việc Vương quốc Anh cắt giảm viện trợ quốc tế, bao gồm cắt giảm quỹ dành cho cơ quan Liên hợp quốc tập trung vào chống HIV/AIDS từ 15 triệu bảng xuống 2,5 triệu bảng, sẽ gây khó dễ cho mục tiêu trên.
Trong khi đó, 70% người Anh được tiêm vaccine ngừa COVID-19, còn ở châu Phi là 7,5%. Lượng vaccine mà châu lục này được viện trợ đang được ưu tiên cho người lớn tuổi, giống với chiến lược của nhiều quốc gia khác. Điều này có nghĩa là rất ít người nhiễm HIV được bảo vệ. Khoảng 80% người nhiễm HIV ở châu Phi dưới 50 tuổi.
Giáo sư Penny Moore tại Đại học Witwatersrand và Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết có dữ liệu chỉ ra rằng những người bị suy giảm miễn dịch không thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 như những người khác. Theo bà, tăng cường khả năng tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp giảm bớt nguy cơ trên.