Mổ tim ứng dụng công nghệ 3D tại bệnh viện E. |
Vừa qua Bệnh viện E (Hà Nội) đã trở thành đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật tim mạch thành công, mở đường cho các bước phát vượt bậc trong điều trị các bệnh tim mạch.
Bệnh nhân Đ.T.T (68 tuổi, ở Nam Định) là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng kỹ thuật mới này. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thông liên nhĩ, các bác sĩ kết luận phải can thiệp phẫu thuật do lỗ thông lớn, có nhiều lỗ (dạng sàng) đã gây hậu quả lên tim, phổi; đồng thời bệnh nhân còn bị hẹp nặng động mạch vành nuôi cơ tim... Nếu thực hiện phẫu thuật theo cách thức cũ, bệnh nhân sẽ phải mổ mở bắc cầu động mạch vành và vá lỗ thông liên nhĩ trong tim. Tuy nhiên tình trạng bênh nhân rất yếu, việc thực hiện phương pháp mổ mở thông thường sẽ phải cưa mở toàn bộ xương ức có nguy cơ nhiều rủi ro vì tình trạng xương ức của bệnh nhân cao tuổi, gầy yếu thường mỏng manh, dễ vỡ, khó liền trong thời kỳ hậu phẫu. Vì thế, các bác sĩ đã quyết định áp dụng công nghệ mới vào giải quyết ca bệnh này đó là: Tái thông động mạch vành hẹp bằng biện pháp không mổ đặt stent qua da, sau đó phẫu thuật nội soi toàn bộ sử dụng công nghệ 3D chỉ qua các lỗ nhỏ thành ngực đóng lỗ thông liên nhĩ trong tim.
Ca phẫu thuật đã sử dụng hệ thống máy nội soi 3D hiện đại nhất mà bệnh viện vừa được nhà nước đầu tư và đưa vào sử dụng. Sau khi mổ tim chưa đầy 1 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo và được xuất viện sau 5- 6 ngày. Dấu vết ca phẫu thuật để lại chỉ là các vết sẹo nhỏ 1-1,5cm ở các góc khuất cơ thể.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Nhờ công nghệ 3D đã làm cho tất cả các khâu, hình ảnh ca phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: Phẫu trường rõ nét, các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ nét quả tim, những mạch máu nhỏ, phổi… giúp cho việc tiến hành các thao tác rất thuận lợi, chính xác, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro. Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D của bệnh nhân không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường không có công nghệ 3D hỗ trợ.
Trước đó, công nghệ 3D cũng đánh dấu thêm thành công của Bệnh viện Bạch Mai khi ứng dụng công nghệ hiện đại này vào phẫu thuật cột sống.
Theo TS.BS Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Bạch Mai: Hệ thống định vị không gian 3 chiều đã được ứng dụng tại bệnh viện Bạch Mai từ cuối năm 2016. Đặc biệt, trong phẫu thuật cột sống, chỉ sai số 1mm cũng có nguy cơ tai biến. Việc ứng dụng định vị 3D đã giúp giảm tối đa nguy cơ tai biến cho bệnh nhân trong các ca phẫu thuật nhờ hình ảnh không gian 3 chiều với độ phân giải cao, chính xác đến từng chi tiết nhỏ, toàn diện hơn, giúp tăng tính an toàn trong phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thông định vị trong phẫu thuật (Navigation), định vị 3 chiều giúp phẫu thuật viên có thể tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí…
Cũng theo GS.TS Lê Ngọc Thành, hiện nay, công nghệ 3D đang ngày càng được ứng dụng phổ biến trong y học, đem lại cơ hội chữa trị tốt hơn cho rất nhiều người bệnh. Tại Bệnh viện E, công nghệ 3D không chỉ được ứng dụng vào phẫu thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ mà còn đang được triển khai cho nhiều bệnh lý khác như: Sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực…
Theo các chuyên gia, trong kỹ thuật phẫu thuật nội soi 3D, các thiết bị phẫu thuật như đầu mổ nội soi được gắn kính 3D để tiếp cận với vị trí mổ cho góc nhìn siêu rộng để ghi được hình ảnh đa chiều, chân thực nhất, thậm chí từ những mạch máu nhỏ li ti. Công nghệ này cũng giúp các phẫu thuật viên nhìn thấy thiết bị mổ của mình 3 chiều, nhờ đó có thể tính toán các khoảng cách một cách chính xác. Trong khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ được đeo kính chuyên dụng để có thể quan sát hình ảnh hiển thị trên màn hình một cách chân thực nhất.
Việc ứng dụng các công nghệ thông minh vào điều trị bệnh đang làm thay đổi mọi mặt của ngành y tế, đây cũng là xu hướng phát triển của nền y học hiện đại. Đặc biệt việc ứng dụng các công nghệ mới giúp hạn chế tối đa các sai sót trong y khoa. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, độ chính xác của các ca phẫu thuật khi ứng dụng robot đạt tới 98,3% (so với nếu không sử dụng robot hỗ trợ, tỷ lệ vít bị bắt lệch vào khoảng hơn 10%). Các nghiên cứu cũng cho thấy ứng dụng hình ảnh trong phẫu thuật có thể cho kết quả chính xác về vị trí bắt vít lên đến từ 93% - 100% (so với tỷ lệ từ 72% - 92% của phương pháp thông thường).Còn theo thống kê của bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật cột sống có ứng dụng robot đạt tới 100%.
Với các công nghệ đã triển khai thành công ở Việt Nam như: Ứng dụng công nghệ 3D, công nghệ robot trong phẫu thuật… đã đưa lĩnh vực y tế của Việt Nam sánh được với các nước tiên tiến trên thế giới.
Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực y tế kỹ thuật cao, quản lý y tế…. “Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông minh trong y tế là hướng đi đầy tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên với điều kiện của Việt Nam, cần lựa chọn các công nghệ thông minh phù hợp. Mặc dù công nghệ thông minh, trang thiết bị hiện đại là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh nhưng yếu tố con người vẫn là nhân tố quyết định”, GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ cua hệ thống kết nối số hóa- vật lý- sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới. Với ngành y tế, cuộc cách mạng 4.0 đang gõ cửa và mang lại nhiều cơ hội để phát triển. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào việc chẩn đoán, điều trị bệnh là nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, làm hài lòng người bệnh.